Chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết lúc giao mùa

Trong những tháng cuối năm, tỉnh ta thường xuất hiện mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi để muỗi vằn sinh sản và phát triển, gây tăng nguy cơ truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH). Nhằm đảm bảo sức khỏe cho Nhân dân, ngành Y tế đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống bệnh SXH thời điểm giao mùa.

Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có 276 ca SXH, giảm 78,6% so với cùng kỳ năm 2019. Các ca bệnh tập trung ở các địa phương: Tp. Phan Rang-Tháp Chàm (102 ca), Ninh Phước (58 ca); Thuận Nam (70 ca)… Vào dịp cao điểm, trung bình mỗi tuần có 14-17 ca bệnh SXH, tuy số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng không vì thế mà người dân lơ là, chủ quan do quy luật bệnh sẽ phát triển vào những tháng cuối năm và nguy cơ bùng phát cao nếu không thực hiện các biện pháp phòng, chống quyết liệt. Bác sỹ CKI, Nguyễn Đình Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Để chủ động thực hiện tốt công tác phòng bệnh, hạn chế phát sinh dịch khi thời tiết giao mùa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo trạm y tế các xã, thị trấn thường xuyên nắm địa bàn; phối hợp với chính quyền địa phương, các nhà trường tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về các biện pháp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc đảm bảo môi trường sống, phun thuốc diệt muỗi và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Riêng trong tháng 10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã thực hiện phun hóa chất và diệt lăng quăng tại 7 phường, xã có nguy cơ cao xảy ra dịch như: phường Văn Hải, Mỹ Đông, Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm); xã Phước Diêm, Cà Ná (Thuận Nam) và thị trấn Khánh Hải, xã Xuân Hải (Ninh Hải)…

Bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Các đơn vị y tế, đặc biệt tuyến cơ sở bám sát địa bàn, theo dõi kịp thời xác minh, ghi nhận ca bệnh đầu tiên, ổ dịch nhỏ SXH và xử lý theo quy định của Bộ Y tế, không để dịch bệnh lây lan. Đồng thời, chủ động chuẩn bị sẵn sàng, vật tư, trang thiết bị, hóa chất phòng, chống dịch; củng cố đội phòng, chống dịch cơ động, bố trí và ổn định nhân lực tham gia hoạt động phòng, chống dịch SXH tại địa phương. Theo ghi nhận của chúng tôi tại phường Mỹ Bình (T.p Phan Rang - Tháp Chàm), khi phát hiện các ca bệnh đầu tiên trên địa bàn, Trạm Y tế phường đã điều động lực lượng nhân viên y tế các khu phố tổ chức huy động người dân tiến hành tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy. Hướng dẫn các khu phố tổ chức phát các bài tuyên truyền về phòng, chống bệnh SXH trên hệ thống loa phát thanh. Làm tốt việc điều tra các hộ ở xung quanh hộ có người mắc bệnh SXH để nắm bắt, thu thập các thông tin liên quan, giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để phát hiện sớm và xử lý hiệu quả. Ông Nguyễn Đình Chiến, khu phố 3, phường Mỹ Bình chia sẻ: Hằng ngày chúng tôi đều được nghe thông tin cách phòng, chống bệnh SXH, biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy… qua hệ thống loa phát thanh ở khu phố, qua đó giúp người dân nắm tình hình bệnh cũng như tác hại của bệnh SXH để chủ động phòng ngừa. Nhờ thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các ca bệnh truyền nhiễm, nên tình hình dịch bệnh thời gian qua được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, hiện nay đang trong thời điểm giao mùa, một số bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng đột biến. Vì vậy, ngoài những biện pháp chuyên môn của ngành Y tế, người dân cần chủ động thực hiện vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy, mang áo dài tay, nằm màn để phòng, chống muỗi đốt. Khi bị mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh SXH cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.