Mỹ Sơn: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp

Xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) có diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 10.759 ha, nhưng diện tích chủ động nước tưới chỉ khoảng 1.000 ha, phần diện tích còn lại phụ thuộc vào nước trời, nên sản xuất gặp nhiều khó khăn và chưa bền vững. Thực hiện chủ trương về tổ chức lại sản xuất nông nghiệp để phát triển kinh tế, xã Mỹ Sơn xác định cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Để thực hiện nhiệm vụ, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo, vận động Nhân dân phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao. Mặt khác, phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của Nhân dân về vai trò, ý nghĩa của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là những diện tích đất không chủ động nguồn nước sang trồng cây chịu hạn có giá trị kinh tế cao. Xã cũng đã huy động tổng hợp các nguồn vốn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được tiếp cận với vốn vay ưu đãi của Nhà nước; phối hợp đưa những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng…

Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao đang được triển khai có hiệu quả tại địa bàn xã Mỹ Sơn.
Trong ảnh: Mô hình trồng nho rượu tại Trang trại nho Ladora Farm Ninh Thuận.

Đồng chí Nguyễn Thanh Chi, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Sơn cho biết: Hàng năm, địa phương đều xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ cụ thể về sản xuất nông nghiệp, chú trọng chỉ đạo rà soát lại tình hình sản xuất ở các thôn, thường xuyên bám sát địa bàn, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân trong tổ chức lại sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Đến nay, toàn xã đã thực hiện chuyển đổi 78,5 ha táo phủ mùng, 26 ha nho (trong đó, nho làm rượu vang 14 ha), 300 ha cỏ tây phục vụ cho chăn nuôi. Địa phương cũng đã từng bước ứng dụng khoa học công nghệ và tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng trên cây trồng. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế của xã, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa. Một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung gắn với công nghiệp chế biến, như: Mía, khoai mỳ, được duy trì và mở rộng; hình thành các liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, các mô hình sản xuất theo hướng an toàn như bắp nhân giống, bưởi da xanh, táo, nho... Thông qua triển khai các mô hình mới, đặc biệt là về giống cây có năng suất, chất lượng tốt để đưa vào sản xuất, địa phương đã thu hút doanh nghiệp đầu tư Dự án phát triển vùng nguyên liệu nho rượu ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, kết hợp bón phân qua hệ thống theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Để ứng phó với thời tiết khô hạn, xã đã đẩy mạnh hỗ trợ mô hình tưới tiết kiệm nước, đảm bảo hoạt động sản xuất nông nghiệp được duy trì ổn định. Đã có 36 hộ được hỗ trợ gần 900 triệu đồng thực hiện mô hình tưới tiết kiệm nước với diện tích là 61,3 ha. Trong những năm qua, địa phương đã phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng mở 10 lớp tập huấn về áp dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp với 379 lượt người tham gia. Tiêu biểu là mô hình chuyển đổi cây trồng cạn bình quân hàng năm khoảng 100 ha, chủ yếu là chuyển từ lúa kém hiệu quả sang đậu xanh trên cánh đồng thôn Mỹ Hiệp. Qua các vụ chuyển đổi chủ yếu là cây đậu xanh cho thấy, chi phí đầu tư đến công lao động được tiết kiệm, lợi nhuận khá cao, nên gần đây bà con đã không ngừng mở rộng phạm vi chuyển đổi. Từ định hướng đúng và cách làm hiệu quả, sản xuất nông nghiệp của xã đã từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng hướng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; từng bước tạo thu nhập ổn định và nâng cao đời sống của Nhân dân.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong thời gian tới, xã chủ trương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân về các chủ trương trong việc tổ chức lại sản xuất ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Phát triển nông nghiệp, nông thôn từng bước toàn diện theo hướng hiệu quả, trên cơ sở xác định các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh và có thị trường tiêu thụ ổn định. Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển cơ cấu, bố trí cây trồng, vật nuôi một cách hợp lý. Phấn đấu sản lượng lương thực bình quân đạt khoảng 8.000 tấn/năm. Quy hoạch phát triển các tiểu vùng sản xuất tập trung quy mô lớn đối với các loại cây trồng chủ lực có lợi thế trên địa bàn xã, quy hoạch từ 3-4 vùng chuyên canh tập trung. Tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả. Trồng thử nghiệm, tuyển chọn một số cây trồng có giá trị gia tăng cao, gắn với nhu cầu thị hiếu của thị trường để đưa vào sản xuất như cây nha đam, mãng cầu, dưa lưới, bưởi da xanh.