Sản xuất vụ mùa 2020 Kỳ vọng cây trồng cạn tạo bứt phá

Từ đầu tháng 10 tới nay, trời có mưa, lượng nước ở 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh được cải thiện đáng kể, tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Trước đây, bà con chờ trời mưa là mở rộng diện tích sản xuất lúa, nhưng hiện nay các hộ thay đổi tập quán canh tác cũ, chú trọng những loại cây sử dụng ít nước, trong đó cỏ chăn nuôi, bắp sinh khối chế biến thức ăn gia súc được dự báo sẽ tạo đột phá.

Sản xuất lúa ở tỉnh ta đang thích ứng dần với biến đổi khí hậu. Do thường xuyên bị ảnh hưởng bởi nắng hạn, nên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh bố trí sản xuất lúa một cách hợp lý nhất. Thực tế cho thấy, sự bất thường của thời tiết, khí hậu diễn ra ở vụ mùa tác động tới sản xuất lúa của các vụ tiếp theo. Do đó, chủ trương ngưng xuống giống lúa vụ mùa ở một số khu vực để không làm ảnh hưởng đến khung lịch thời vụ, sản xuất vụ lúa đông - xuân là đúng. Trước đây, khu vực hưởng lợi nước hồ Bầu Zôn (Ninh Phước) mỗi năm sản xuất 3 vụ lúa, nhưng hiện nay giảm xuống còn 2 vụ là quyết định đúng và đã chứng tỏ được hiệu quả lớn trong sản xuất nông nghiệp ứng phó với nắng hạn.

Nông dân xã Phước Vinh (Ninh Phước) chăm sóc cây bắp. Ảnh: NAT

Căn cứ vào kế hoạch sản xuất vụ mùa cho thấy, các nhóm cây trồng cạn đang chiếm ưu thế. Trong đó, cây bắp, ngoài mục tiêu lấy hạt, làm giống, một số địa phương tập trung phát triển bắp sinh khối cho chăn nuôi gia súc, diện tích cỏ chăn nuôi cũng được mở rộng nhờ vào các doanh nghiệp sản xuất thức ăn thô xanh tổng hợp đang đẩy mạnh thu mua và kỳ vọng sẽ tạo bứt phá cho sản xuất vụ mùa. Dự kiến ban đầu vụ mùa sản xuất hơn 3.100 ha bắp, nhưng với tình hình nhu cầu thức ăn cho chăn nuôi cao, diện tích bắp tăng lên khoảng 3.800 ha.

Nhà máy chế biến thức ăn gia súc của Công ty TNHH Công nghệ cao Ninh Thuận Agritech đầu tư trên địa bàn xã Phước Tiến (Bác Ái) tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu đầu vào, liên kết với nông dân trồng giống bắp sinh khối NK 7328 có ưu điểm dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất bình quân từ 60-80 tấn/ha. Các nông hộ tham gia được công ty hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác; đồng thời, cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau khi thu hoạch. Hộ trồng bắp đang nhận được nhiều ưu đãi, từ chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của tỉnh, huyện Ninh Sơn đã cấp phát 2,1 tấn bắp giống cho 427 hộ dân ở xã Ma Nới để sản xuất vụ mùa.

Ông Nguyễn Ngọc Thiêng, thôn Phước An 1, xã Phước Vinh (Ninh Phước) trồng cây mãng cầu Thái Lan mang lại kinh tế cao.Ảnh: Tiến Mạnh

Nỗ lực của ngành chức năng, nông dân trong tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao ở vụ mùa 2020 là dấu hiệu đáng mừng, cho thấy sản xuất nông nghiệp đang chuyển dịch dần theo hướng bền vững. Xã Lương Sơn, Mỹ Sơn (Ninh Sơn) duy trì, mở rộng mô hình chuỗi giá trị trồng bắp sinh khối phục vụ nhà máy chế biến thức ăn gia súc; mô hình phát triển trồng cỏ chăn nuôi quy mô hàng trăm héc-ta hứa hẹn sẽ đưa lại thu nhập cao hơn so với trồng lúa. Phong trào chuyển đổi cây trồng cạn trong vụ mùa tạo được sức lan tỏa sâu rộng, mỗi nơi có một cách làm linh hoạt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở từng địa phương. Tại xã Phước Thái, Phước Vinh (Ninh Phước), Phước Đại, Phước Chính (Bác Ái), sau khi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ hơn 12.000 cây giống đã triển khai mô hình thâm canh cây mãng cầu Thái, quy mô 11 ha. Một số xã ở huyện Thuận Bắc, Thuận Nam cũng được hưởng lợi từ Dự án Khuyến nông Trung ương giai đoạn 2019-2021 đang triển khai mô hình trồng và thâm canh cây ăn trái theo hướng VietGAP là điểm sáng trong sản xuất vụ mùa.