Người dân xứ nắng hướng về “khúc ruột” miền Trung

Những ngày qua, đồng bào miền Trung đang oằn mình đối mặt với bao đau thương, mất mát do mưa lũ gây ra. Chia sẻ với khó khăn đó, cùng với cả nước, nhân dân tỉnh ta hướng về miền Trung ruột thịt bằng cả tấm lòng.

Đã hơn 10 giờ đêm, nhưng khuôn viên Trường Mẫu giáo Khánh Hải (Ninh Hải) vẫn rôm rả, nhộn nhịp bởi các cô giáo và bà con đang tham gia nấu bánh chưng, bánh tét kịp gửi ra bà con vùng lũ các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh. Người cắt lá, rửa lá, người vò nếp, người chuẩn bị nhân thịt đỗ, người gói bánh, luộc bánh... Tất cả chung sức để dành những gì tốt nhất cho bà con miền Trung đang oằn mình chống chọi với thiên tai. Dù đã ngoài tuổi 70 nhưng bà Hà Thị Khinh, thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) không ngại khó khăn, phiền hà đã tham gia gói bánh chưng 3 ngày nay. Bà chia sẻ: Nhìn thấy bà con miền Trung ngâm mình trong nước, đói, rét nhiều ngày, tôi thương quá nhưng không có tiền để ủng hộ nên tôi góp công, phụ mọi người mong bánh sớm đến tay người dân vùng lũ. Vừa tranh thủ cắt lá, cô giáo Võ Thị Thu Huệ, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Khánh Hải chia sẻ: Trong buổi họp mặt ngày 20-10, nhà trường phát động nấu bánh tét, bánh chưng cho bà con miền Trung bị ảnh hưởng do lũ lụt. Theo đó, mọi người cùng quyên góp tiền hoặc nguyên liệu để làm bánh…Ngoài ra, nhà trường cũng vận động phụ huynh, giáo viên trong trường thu gom sách vở cũ, quần áo, nhu yếu phẩm cho bà con. Sau 2 ngày phát động nhà trường đã chuyển được 2.500 bánh và nhiều hàng hóa như: nước, mì tôm, lương khô, đồ hộp… cho bà con. Qua đó, không chỉ khơi gợi tinh thần “tương thân tương ái” của dân tộc ta mà đây còn là hoạt động cụ thể giáo dục trẻ về tình yêu thương, sự sẻ chia trong cuộc sống. Ban đầu chỉ có các cô giáo trong trường tham gia đến nay nhiều phụ huynh, hộ dân xung quanh đều sẵn sàng gác lại công việc đến góp công sức cùng tham gia. Nhờ vậy đến nay, nhiều nồi bánh vẫn đang đỏ lửa, kịp thời “tiếp sức” cho người dân vùng rốn lũ.

Các cô giáo, phụ huynh Trường Mẫu giáo Khánh Hải
chung tay gói bánh cứu trợ đồng bào miền Trung.

Tuy không phải nấu bánh để đón xuân, vui tết nhưng lại mang ý nghĩa của mùa xuân-bởi đó mỗi chiếc bánh được gói bằng cả tấm lòng của người dân xứ nắng gửi trọn niềm tin đến bà con các tỉnh miền Trung ruột thịt. Cùng với những nồi bánh nghĩa tình, nhiều nhóm thiện nguyện, các tổ chức, đoàn thể tùy theo hoàn cảnh, chuyên môn đều chọn cho mình cách “thể hiện” tình cảm riêng với người dân miền Trung... Như em Võ Ngọc Bảo Hân, học sinh lớp 7/3 Trường THCS Đinh Bộ Lĩnh (Ninh Hải) đã không tổ chức sinh nhật mà dùng số tiền đó mua 10 thùng mì tôm gửi các bạn ở miền Trung. Hay như chủ dịch vụ đám cưới Anh Tuấn (Ninh Hải) tạm ngưng nhận nấu ăn để đi hỗ trợ gói bánh chưng ủng hộ cho người dân miền Trung. Như chị Phi, chủ nhà sách trên đường 21 Tháng 8 lặng lẽ gửi tặng hàng trăm áo phao, sách vở cho các nhóm thiện nguyện gửi về miền Trung với lời nhắn nhủ: Giữ kín việc này cho mình nhé…!

Không chỉ hỗ trợ hàng hóa, nhu yếu phẩm nhiều doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh tự nguyễn hỗ trợ vận chuyển hàng cứu trợ về miền Trung như: nhà xe Thiện Trí, nhiều cá nhân như anh Nguyễn Văn Minh (Phước Mỹ, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm)… Hơn một tuần nay, anh Minh tất bật với việc huy động, kêu gọi, rồi tập kết, phân loại, đóng gói các loại hàng hóa cứu trợ. Anh chia sẻ: Nhận thấy có rất nhiều nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ nhu yếu phẩm, hàng hóa… nhưng không thể đi đến trao trực tiếp, khó khăn trong việc vận chuyển nên tôi đứng ra nhận nhiệm vụ vận chuyển hàng cứu trợ miễn phí. Do không đủ xe nên tôi cùng một số anh em vận động các doanh nghiệp cùng giúp sức. Đến nay, đã có hơn 8 tấn hàng được vận chuyển, trao tận tay đến người dân miền Trung. Công việc vất vả nhưng khi thấy khối lượng hàng hóa huy động ngày một nhiều lên thì bao nhiêu mệt nhọc trong tôi như tan biến.

Mặc dù đang chịu nhiều thiệt hại do thiên tai, nhưng miền Trung không đơn độc bởi luôn có hàng triệu tấm lòng luôn hướng về, dõi theo và cùng chung tay chia sẻ đau thương, mất mát. Chính sự san sẻ đó là động lực giúp người dân vùng “rốn lũ” thêm ấm lòng, tiếp thêm sức mạnh, nghị lực vượt qua khó khăn, tái thiết cuộc sống sau mưa lũ.