Chân dung hai nữ ứng cử viên vị trí Tổng Giám đốc WTO

Với việc còn lại hai nữ ứng cử viên lọt vào vòng cuối cùng trong cuộc chạy đua trở thành Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cơ quan này sẽ đánh dấu có một nữ lãnh đạo đầu tiên trong lịch sử 25 năm thành lập.

Tiến trình tham vấn chọn người chèo lái WTO

WTO được thành lập vào năm 1995 với mục đích thúc đẩy thương mại mở vì lợi ích của tất cả người dân trên thế giới. Cơ quan này có chức năng đàm phán và quản lý các quy tắc thương mại quốc tế và giải quyết các tranh chấp giữa 164 thành viên. Kể từ khi thành lập năm 1995, WTO đã có tổng cộng 6 Tổng Giám đốc, gồm 3 người châu Âu, 1 người thuộc châu Đại Dương, 1 người thuộc châu Á, và 1 người Nam Mỹ. Mỗi nhiệm kỳ Tổng Giám đốc kéo dài 4 năm. Để được lựa chọn vào vị trí lãnh đạo, qua mỗi lần bình chọn, ứng viên phải nhận được sự ủng hộ đa số của 164 nước thành viên thuộc tổ chức.

Quá trình lựa chọn tân Tổng Giám đốc WTO cho nhiệm kỳ tới đây bắt đầu từ ngày 14-5-2020 khi cựu Tổng Giám đốc Roberto Azevedo thông báo từ chức trước một năm so với thời hạn nhiệm kỳ. Sau đó, ông rời nhiệm sở vào ngày 31-8 vừa qua.

Trong thời gian đề cử những gương mặt thay thế ông Azevedo kéo dài một tháng từ ngày 7-6 đến 7-7, đã có tổng cộng 8 ứng cử viên được giới thiệu gồm: Tiến sỹ Jesus Seade Kuri của Mexico, Tiến sỹ Ngozi Okonjo-Iweala của Nigeria, ông Abdel-Hamid Mamdouh của Ai Cập, ông Tudor Ulianovschi của Moldova, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee, Bộ trưởng Nội các về giáo dục Kenya Amina C.Mohamed, ông Mohammed Maziad Al-Tuwaijri của Saudi Arabia, và Tiến sỹ Liam Fox của Anh. Đây đều là những nhân vật có nhiều kinh nghiệm về thương mại, quản lý hoặc từng nắm giữ những vị trí quan trọng trong các định chế quốc tế lớn.

Từ ngày 7 đến 16-9, Bộ ba gồm Chủ tịch Đại hội đồng, Chủ tịch Cơ quan giải quyết tranh chấp và Chủ tịch Cơ quan rà soát chính sách thương mại của WTO đã tiến hành tham vấn tất cả các thành viên của tổ chức về danh sách ứng viên trên. Kết quả của vòng tham vấn đầu tiên đã được công bố tại cuộc họp của các trưởng đoàn tham vấn vào ngày 18-9. Theo đó, danh sách ứng viên được thu gọn còn 5 người, trong đó có 3 nữ, 2 nam gồm: bà Ngozi Okonjo-Iweala (Nigeria), bà Yoo Myung Hee (Hàn Quốc), bà Amina Mohamed (Kenya), ông Mohammad Maziad Al-Tuwaijri (Saudi Arabia) và ông Liam Fox (Anh).

Tiếp đó, ở vòng thứ hai, từ ngày 24-9 đến 6-10, Bộ ba gồm Chủ tịch Đại hội đồng, Chủ tịch Cơ quan giải quyết tranh chấp và Chủ tịch Cơ quan rà soát chính sách thương mại của WTO tiếp tục mời 5 thành viên trên đến tham vấn, từ đó chọn ra 2 người để bước vào vòng cuối cùng. Kết quả, hai người được lựa chọn là bà Ngozi Okonjo-Iweala đến từ Nigeria và bà Yoo Myung-hee đến từ Hàn Quốc.

Như vậy, với việc cả hai ứng cử viên lọt vào vòng chung kết đều là phụ nữ, định chế WTO sẽ lần đầu tiên có người đứng đầu là nữ giới trong suốt lịch sử 25 năm của tổ chức. Người chiến thắng cuối cùng sẽ được quyết định theo sự đồng thuận sau vòng tham vấn tiếp theo, dự kiến từ ngày 19 đến 27-10 tới.

Chủ tịch Đại hội đồng WTO, Đại sứ New Zealand David Walker, cho biết mục tiêu cuối cùng của tiến trình lựa chọn là đảm bảo quyết định đồng thuận của các thành viên. Tại vòng tham vấn thứ 3 tới đây, các thành viên WTO sẽ tham vấn bí mật với Bộ ba gồm Chủ tịch Đại hội đồng WTO và 2 Điều phối viên (gồm Chủ tịch Cơ quan giải quyết tranh chấp và Chủ tịch Cơ quan rà soát chính sách thương mại). Dựa trên lựa chọn của các nước thành viên, Bộ ba này sẽ đưa ra đánh giá về việc ai trong số 2 ứng cử viên có nhiều khả năng đạt được sự đồng thuận của các nước thành viên và trở thành Tổng giám đốc thứ 7 của WTO.

Sau vòng tham vấn cuối cùng, Chủ tịch Đại hội đồng WTO sẽ triệu tập cuộc họp các Trưởng Phái đoàn tại WTO để thông báo kết quả cho các thành viên WTO vào đầu tháng 11 tới. Nhiệm kỳ Tổng giám đốc WTO sẽ kéo dài 4 năm, và người giữ chức này cũng có cơ hội làm việc thêm một nhiệm kỳ thứ hai.

Chân dung hai nữ ứng viên

Bà Okonjo-Iweala là một chuyên gia tài chính toàn cầu, từng làm Bộ trưởng Tài chính của Nigeria trong hai nhiệm kỳ. Bà Okonjo-Iweala đã được vinh danh là một trong số các nữ “chiến binh” chống tham nhũng, người truyền cảm hứng do Tổ chức Minh bạch Quốc tế bình chọn. Năm 2014, bà được Tạp chí Time vinh danh là một trong số 100 người có ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Bà đã có 25 năm làm việc tại Ngân hàng Thế giới (WB) và là Giám đốc điều hành hoạt động của WB. Vào năm 2018, bà có tên trong Hội đồng quản trị của Twitter. Hiện bà đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Gavi, một tổ chức liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng.

Khi được lọt vào danh sách một trong hai ứng cử viên cuối cùng trong cuộc đua ghế Tổng Giám đốc WTO, ngày 8-10, bà Okonjo-Iweala đã viết trên Twitter rằng: “Rất vui khi được lọt vào vòng cuối cùng của chiến dịch bầu Tổng giám đốc WTO. Cảm ơn các thành viên WTO đã tiếp tục ủng hộ việc ứng cử của tôi”.

Trong khi đó, ứng cử viên Yoo Myung-hee (người Hàn Quốc) là một nhà đàm phán kỳ cựu trong các cuộc đàm phán thương mại của Hàn Quốc. Bà Yoo được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc từ tháng 2-2019, trở thành người phụ nữ đầu tiên ở “Xứ kim chi” đảm nhiệm vị trí này trong lịch sử 70 năm. Bà từng là quan chức đặc trách hồ sơ Tổ chức Thương mại Thế giới ở Bộ Thương mại Hàn Quốc hồi năm 1995 và là người chỉ đạo các cuộc thương thuyết về các thỏa thuận thương mại tự do với nhiều nước, trong đó có Mỹ và Trung Quốc. Bà từng là Đại sứ Hàn Quốc tại Trung Quốc giai đoạn 2007-2010. Bà cũng từng đảm nhiệm vị trí Người phát ngôn của Văn phòng Tổng thống liên quan đến vấn đề nước ngoài, dưới thời chính quyền của Tổng thống Park Geun-hye.

Kể từ khi tuyên bố tham gia tranh cử vào tháng 7, bà Yoo Myung Hee tích cực phổ biến tầm nhìn của mình đối với WTO thông qua nhiều cuộc phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông quốc tế, bao gồm CNN, Bloomberg TV, cũng như các hoạt động truyền thông xã hội và hội thảo trực tuyến.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, bà Yoo cam kết sẽ tập trung vào việc xây dựng lại lòng tin đối với hệ thống thương mại đa phương để định chế thương mại quốc tế này “phù hợp, linh hoạt và phản ứng nhanh hơn”. Bà cũng chủ trương cải tổ WTO bằng cách khôi phục và củng cố các hệ thống đa phương, cũng như làm trung gian giữa những xung đột thương mại của Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia thành viên quyền lực nhất. Với kinh nghiệm đàm phán với Mỹ và thời gian làm việc ở Trung Quốc, bà Yoo hy vọng điều đó sẽ giúp đạt được mục tiêu của mình.

Nhiệm vụ nặng nề

Theo các nhà phân tích, Tổng Giám đốc WTO là người đứng đầu tổ chức, chịu trách nhiệm giám sát, điều hành Ban thư ký WTO và quản lý bộ máy bao gồm khoảng 700 viên chức và nhân viên. Tổng Giám đốc WTO do Hội nghị Bộ trưởng bổ nhiệm với nhiệm kỳ 4 năm. Ngoài vị trí điều hành, Tổng Giám đốc WTO còn đóng vai trò chính trị rất quan trọng trong hệ thống thương mại đa phương. Chính vì vậy, việc lựa chọn các ứng cử viên vào chức vụ này luôn là một cuộc chạy đua ác liệt giữa các nhân vật chính trị quan trọng, cấp Bộ trưởng, Phó Thủ tướng hoặc Tổng thống.

Tổng Giám đốc có vai trò chèo lái, là đại diện, tiếng nói của WTO tại các cuộc họp của các nhà lãnh đạo thế giới và ở một mức độ nào đó, định hướng cho sự phát triển tổ chức. Thực tế, WTO là tổ chức khá độc đáo, bởi vì 164 quốc gia thành viên đều có quyền phủ quyết. Vì vậy, vị trí Tổng Giám đốc nắm giữ rất ít quyền lực đối với các vấn đề liên quan đến chính sách.

Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm do dịch COVID-19, WTO được nhận định là đang rất cần một nhà lãnh đạo mạnh mẽ hơn.

Chính vì vậy, nhân vật nào xứng đáng vào vị trí lãnh đạo cơ quan này đang thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Bất kể ai ngồi vào “ghế nóng” tại WTO cũng đều phải gánh vác trách nhiệm lớn như: giải quyết các tranh chấp thương mại khi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng, cải thiện quan hệ với Mỹ, cũng như hỗ trợ các quốc gia thành viên phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 vốn đã làm ảnh hưởng đến thương mại và gây ra một cuộc suy thoái toàn cầu sâu sắc.

Tân Tổng Giám đốc WTO cần giải quyết cuộc khủng hoảng niềm tin vào các định chế đa phương, cũng như khắc phục những bất đồng sâu sắc với chính quyền Mỹ, nhất là nếu ông Donald Trump, người có quan điểm rất cứng rắn với WTO, tái đắc cử Tổng thống Mỹ. Ông Trump trước đó đã công kích tổ chức này khi cho rằng WTO đã không công bằng với lợi ích của Mỹ.

COVID-19 đã tác động rõ rệt đến dòng chảy thương mại toàn cầu, với WTO dự báo mức giảm 9,2% trong năm nay và một sự phục hồi hạn chế trong năm 2021. Đại dịch xảy ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại âm ỉ giữa Mỹ và Trung Quốc, bên cạnh việc WTO không thể hoàn thành vòng đàm phán tự do hóa thương mại Doha. Thêm vào đó, việc Mỹ từ chối việc bổ nhiệm một số thẩm phán vào hội đồng kháng cáo của WTO cũng đã khiến cho khả năng giám sát thương mại của tổ chức này bị ảnh hưởng đáng kể. 

Ngoài ra, người đứng đầu WTO cũng phải đối mặt với một nhiệm vụ khác vô cùng khó khăn, đó là cải cách WTO theo yêu cầu của các nước thành viên để thích ứng với tình hình thế giới hiện nay. Hiện WTO được mô tả là “đang ở ngã ba đường” và các thành viên cần phải xây dựng lại lòng tin và cải tổ hệ thống thương mại toàn cầu. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang bị căng thẳng cao độ và đây chính là lý do tại sao WTO đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Để giải quyết những thách thức đó, WTO đang rất cần một “vị thuyền trưởng” mạnh mẽ để chèo lái “con thuyền” WTO vượt qua giông bão.

Theo TTXVN