Nhật Bản mở rộng gói tài trợ chuyển chuỗi cung từ Trung Quốc sang Đông Nam Á

Nhật Bản sẽ mở rộng chương trình tài trợ, khuyến khích doanh nghiệp nước này xây dựng cơ sở sản xuất tại Đông Nam Á nhằm đa dạng hóa chuỗi cung vốn lâu nay phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.

Tờ Nikkei Asia Review ngày 15/10 đưa tin, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga sẽ thông báo kế hoạch này trong chuyến thăm tới Việt Nam và Indonesia vào cuối tháng này. Nhà lãnh đạo Nhật Bản thông qua chuyến đi này muốn kêu gọi thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản tại Đông Nam Á. Chọn Đông Nam Á là điểm công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Thủ tướng, ông Suga muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực đối với Nhật Bản.

Dự kiến, Chính phủ Nhật Bản sẽ chỉ trả khoảng 50% chi phí phục vụ hoạt động dịch chuyển đầu tư sang Đông Nam Á với các công ty lớn. Với các công ty quy mô nhà, mức hỗ trợ của này là 75%. Lĩnh vực được ưu tiên trợ cấp là các ngành hàng, sản phẩm mà chuỗi cung sản xuất hiện thời có thiên hướng quá tập trung vào một nước riêng lẻ.

Dây truyền lắp ráp xe hơi của một công ty Nhật Bản tại Trung Quốc. Ảnh: Businesstoday

Mục tiêu của kế hoạch này là đẩy các công ty của Nhật Bản mở rộng cứ điểm sản xuất theo hướng đa dạng hóa điểm đến đầu tư. Tuy không trực tiếp nhắc đến Trung Quốc, nhưng dường như Nhật Bản muốn giảm phụ thuộc vào thị trường này. Đáng chú ý, chương trình tài trợ này hướng đến việc hỗ trợ các dự án liên quan đến mở rộng mạng lưới sản xuất đặt tại các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Những dự án liên quan đến rút dây truyền sản xuất từ một nước Đông Nam Á sang một nước khác trong ASEAN sẽ không được nhận kinh phí trợ cấp. Nhưng xây dựng một nhà máy mới ở một nước thành viên ASEAN kết hợp với dời năng lực sản xuất khỏi Trung Quốc sẽ được coi là hình thức đa dạng hóa sản xuất hợp lý và được hỗ trợ tài chính trong quá trình di dời.

Nhật Bản không đề cập trực diện tới Trung Quốc, bởi làm vậy có thể khiến Tokyo bị chỉ trích “bóp méo thương mại”. Nhưng theo giáo sư Yorizumi Watanabe chuyên ngành kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học Kansai, kế hoạch này của Nhật Bản không vi phạm các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bởi mục đích chính là hỗ trợ chung, chứ không phải trợ cấp một công ty hay một nhóm công ty cụ thể nào.

Hơn nữa, bước dịch chuyển này cũng phù hợp với thực tế. Đông Nam Á đang nổi lên là điểm đến cuốn hút đối với các nhà sản xuất xét trên khía cạnh chi phí nhân công. Theo Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), chi phí bình quân phải trả cho một lao động tại Indonesia là 5.956 USD/năm, tại Việt Nam là 4.041 USD/năm, trong khi con số này tại Trung Quốc là 10.000 USD/năm.

Để phục vụ cho gói hỗ trợ mới này, chính phủ Nhật Bản sẽ dành ra một khoản tiền đáng kể từ ngân sách, cho thấy tầm quan trọng của sáng kiến này. Trước đó, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã chi khoảng 223 triệu USD trong ngân sách năm tài khóa 2020, hỗ trợ các công ty di dời sản xuất sang Đông Nam Á để mở rộng chuỗi cung. Trong vòng xét duyệt đầu tiên kết thúc vào tháng 7/2020, chính phủ đã thông qua khoản tài trợ với 30 dự án dịch chuyển đầu tư.

Chính quyền Thủ tướng Abe còn có gói tài trợ khác, quy mô lớn lên đến hơn 2 tỉ USD. Chương trình này chuyên phục vụ các công ty di dời sản xuất từ Trung Quốc, nhưng đích đến là Nhật Bản. Đã có hơn 1.7000 công ty nộp đơn, với số tiền xin tài trợ cao gấp 10 lần khoản ngân sách dự kiến 2 tỉ USD. Trong vòng rà soát đầu tiên, chính phủ đá thông qua 57 dự án, với số tiền tài trợ là 544 triệu USD.

Trước khi chương trình tài trợ “thoát Trung Quốc” được ban hành, nhiều công ty, tập đoàn đa quốc gia của Nhật Bản cũng đã tiến hành tái cấu trúc chuỗi cung ở châu Á do giá nhân công tại Trung Quốc không còn rẻ. Chiến lược đầu tư “Trung Quốc cộng một” đã doanh nghiệp Nhật thực hiện từ nhiều năm qua.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát, với khởi điểm là tại Vũ Hán, đã làm thay đổi quan điểm của Tokyo. Nhật Bản nhận thấy phụ thuộc lớn vào chuỗi cung tại Trung Quốc, Trung Quốc, nhất là với các mặt hàng vật tư, đồ bảo hộ y tế, điện tử. Thêm vào đó, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng là một nhân tố khiến nhiều công ty lựa chọn địa điểm đầu tư ngoài đại lục, nhằm né thuế trừng phạt mà chính quyền Mỹ áp đặt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo TTXVN/Báo Tin tức