Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh lấy ý kiến góp ý các dự án luật

Ngày 14-9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự án Luật Cư trú (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 10. Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hà, UVTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh chủ trì hội nghị.

Luật Cư trú (sửa đổi) gồm 7 chương, 39 điều, trong đó quy định cụ thể về quyền tự do cư trú của công dân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; việc đăng ký, quản lý cư trú; quyền, trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú. Tại hội nghị, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến như: Cần ràng buộc trách nhiệm của chủ hộ khi đồng ý cho người khác nhập khẩu vào chỗ ở của mình; cân nhắc những yếu tố lợi dụng luật để trốn trách nhiệm nghĩa vụ quân sự, trục lợi chính sách; không nên quy định thời gian cụ thể xóa đăng ký thường trú với người vắng mặt tại nơi cư trú trên 12 tháng...Về điều khoản thi hành, hầu hết các đại biểu chọn phương án 1, đó là kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành vào ngày 1/7/2021, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của Luật cho đến hết ngày 31/12/2022.

*  Chiều cùng ngày, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hà, UVTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh chủ trì hội nghị lấy ý kiến Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh lấy ý kiến đóng góp dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) gồm 8 chương, 76 điều. Tham gia góp ý, đa số đại biểu thống nhất chọn phương án 1 theo hướng quy định đơn vị sự nghiệp là Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch UBND tỉnh thành lập và chỉ được thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực thi điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.. Đồng thời, kiến nghị một số vấn đề trong dự án luật như: Tăng cường trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp khi tổ chức thực hiện đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong trường hợp doanh nghiệp phá sản; cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, bảo hộ khi người lao động gặp rủi ro, đặc biệt là đối với người dân tộc thiểu số; quy định cụ thể lý do lao động về nước trong trường hợp bất khả kháng khi chưa kết thúc thời hạn hợp đồng.

Thay mặt Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hà ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu, đồng thời tổng hợp để trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.