Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Ninh Thuận:

Đưa phong trào thi đua của tỉnh ngày càng phát triển sâu rộng

Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Ninh Thuận lần thứ VII - năm 2020 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng. Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng tỉnh dành cho Báo Ninh Thuận cuộc phỏng vấn liên quan đến sự kiện chính trị quan trọng này.

* Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những thành quả nổi bật trong phong trào Thi đua yêu nước tỉnh nhà giai đoạn 2015-2020; đặc biệt là những mô hình hay, cách làm hiệu quả; những điển hình tập thể, cá nhân tiên tiến, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua?

- Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh: Thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7-4-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020; các ngành, các cấp, các địa phương trong tỉnh đã cụ thể hóa thành kế hoạch 5 năm (2016-2020) với các mục tiêu phát triển phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Qua 5 năm thực hiện, với sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp, sự quan tâm, hướng dẫn kịp thời của các bộ, ngành Trung ương, Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh đạt được những thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2015-2020 là 10,2%, quy mô nền kinh tế tăng 2,16 lần so với năm 2015. Thu ngân sách đạt 3.500 tỷ đồng, vượt mục tiêu đề ra 500 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người đạt 60,1 triệu đồng/người, tăng 2,17% so với năm 2015. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2015-2020 đạt 78.015 tỷ đồng, tăng 2,35 lần so với giai đoạn trước.

Cầu An Đông (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: Phan Bình

Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch đúng hướng, nông, lâm, thủy sản chiếm 28,1%, giảm 10,6%; công nghiệp-xây dựng chiếm 32,1%, tăng 9,7%; dịch vụ chiếm 29,8%, tăng 0,9%. Tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, góp phần tăng cường ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp bước đầu đạt kết quả tốt; hoạt động của Mặt trận và các tổ chức, đoàn thể hướng mạnh về cơ sở, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập hợp, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực, tự giác tham gia các phong trào Thi đua yêu nước.

Công tác thi đua, khen thưởng đã thực sự có bước đổi mới cả về nội dung và hình thức. Phong trào thi đua được tập trung phát động theo chuyên đề, theo đợt, gắn với nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá. Triển khai thực hiện kế hoạch của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, ngày 16-10-2017 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4290/KH-UBND phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp Ninh Thuận hội nhập và phát triển đến năm 2020” nhằm đảm bảo thực hiện đẩy đủ, kịp thời các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp (DN), tạo môi trường thuận lợi cho DN khởi nghiệp. UBND tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhóm giải pháp về cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho DN trong sản xuất và kinh doanh. Đối với DN đã thực hiện đẩy mạnh thi đua đổi mới quản lý, quản trị DN, nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của DN. Thi đua cải tiến khoa học - kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, góp phần thực hiện tái cấu trúc và phát triển nền kinh tế theo hướng kinh tế tri thức, tạo giá trị gia tăng cao, phù hợp với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Hoạt động DN tiếp tục ổn định và có chuyển biến tích cực, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, có thương hiệu, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế, nhất là các dự án năng lượng tái tạo, du lịch chất lượng cao, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao vị thế của tỉnh.

Quảng trường 16 Tháng 4 (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) được trang trí cờ hoa rực rỡ chào mừng đại hội. Ảnh: VM

Phong trào Thi đua yêu nước 5 năm qua đã diễn ra trên quy mô rộng lớn, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Ở mỗi lĩnh vực, ngành nghề, đối tượng trong xã hội đều có sự gắn bó với một hoặc một số phong trào cụ thể, thiết thực và có hiệu quả. Từ kết quả của phong trào Thi đua yêu nước, nhiều mô hình hay, gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt đã xuất hiện. Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp các ngành, các cấp triển khai nhân rộng “Tổ hợp tác đánh bắt hải sản” liên kết ngư dân góp vốn, lao động, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, vừa nâng cao năng lực hiệu quả sản xuất, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Các mô hình “Tổ hợp tác liên kết nuôi tôm”, “Tưới tiết kiệm nước”, “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất lúa, “Liên kết sản xuất nho sạch gắn với chế biến rượu nho”,… đã giúp nông dân giảm chi phí, nâng cao thu nhập. Thông qua phong trào “Thi đua dạy tốt, học tốt”, phong trào “Nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân”, phong trào “Thi đua quyết thắng”,… các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và cá nhân tích cực tham gia phát hiện, giới thiệu nhiều gương điển hình tiên tiến, "người tốt, việc tốt" tiêu biểu để các cấp, các ngành, các địa phương kịp thời ghi nhận, biểu dương, khen thưởng, tạo được sự lan tỏa sâu rộng.

* Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những nhiệm vụ trọng tâm tỉnh ta cần tiếp tục thực hiện để phong trào Thi đua yêu nước ngày càng phát triển sâu rộng trong giai đoạn 2020-2025?

- Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh: Trong thời gian tới, chủ trương của tỉnh là tiếp tục lãnh đạo đổi mới toàn diện về công tác thi đua, khen thưởng; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, đưa phong trào thực sự phát triển sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, trở thành động lực cách mạng to lớn trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Nội dung thi đua hướng vào thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhanh, bền vững, rút ngắn khoảng cách trung bình với thu nhâp bình quân đầu người so với cả nước. Tiếp tục quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Thi đua ái quốc “Càng khó khăn càng phải thi đua” và tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức, lãnh đạo, chỉ đạo về công tác thi đua, khen thưởng trước hết từ cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng. Qua đó làm cho phong trào thi đua ngày càng sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và bao quát trong toàn bộ các lĩnh vực đời sống xã hội. Đổi mới, nâng cao chất lượng hình thức thi đua theo hướng tổ chức các phong trào thi đua thường xuyên gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng địa phương, đơn vị cơ sở. Chú trọng các phong trào thi đua chuyên đề nhằm tập trung giải quyết có hiệu quả những nhiệm vụ công tác trọng tâm như: Phát triển kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nhất là phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Đảm bảo trật tự an toàn giao thông”, tiếp tục thi đua thực hiện tốt “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Xây dựng Ninh Thuận “xanh - sạch - đẹp”. Đẩy mạnh chăm lo phát hiện, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến làm nòng cốt trong phong trào thi đua, thông qua đó thúc đẩy các phong trào thi đua phát triển ngày càng mạnh mẽ, có chiều sâu.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đưa ra giải pháp đẩy mạnh chỉ đạo công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng, phổ biến cách làm hay, biểu dương người tốt, việc tốt và các mô hình tiêu biểu, các bài học kinh nghiệm được đúc kết từ thực tiễn, qua các hội nghị điển hình tiên tiến và Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ VII- năm 2020. Tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng của tỉnh; xây dựng kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy thi đua, khen thưởng, kiện toàn Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp.

* Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh!