Hướng đi mới từ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11-11-2016 về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, trong những năm qua nền kinh tế nông nghiệp tỉnh ta đã chuyển trạng thái từ ứng phó thụ động (năm 2015) sang chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Riêng ngành trồng trọt, đã có sự chuyển dịch về cơ cấu sản phẩm theo đúng định hướng tái cơ cấu, phát huy lợi thế những cây trồng mang lại giá trị gia tăng cao.

Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết “Để xây dựng nền nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, tỉnh ta đã thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU gắn kết chặt chẽ với Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10-10-2016 của Tỉnh ủy về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020”. Qua đó Sở NN&PTNT đã tạo đột phá về đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ đối với các sản phẩm đặc thù, lợi thế của tỉnh; thông qua lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án,… triển khai nhân rộng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả. Đơn cử như đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước, từ diện tích tưới 1.437 ha năm 2018, ước đến cuối năm nay tăng lên 1.911 ha. Mô hình ứng dụng bao lưới chống ruồi vàng trên cây táo (hơn 140 ha), bước đầu đã phòng trừ được các bệnh phổ biến, làm giảm 30% chi phí sản xuất, tránh được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tạo sản phẩm an toàn, tăng năng suất thu hoạch, tăng thu nhập từ 1,6-1,8 lần so với không bao lưới. Mô hình bao trái trên cây nho bằng túi chuyên dụng, tuy chi phí lớn hơn từ 40 - 45 triệu đồng/ha nhưng cho hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận bình quân đạt hơn 680 triệu đồng/ha/vụ, trong khi mô hình không bao chùm chỉ cho lãi cao nhất là 262 triệu đồng/ha/vụ.

Nhờ đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước, nông dân xã Bắc Phong (Thuận Bắc) mở rộng diện tích trồng măng tây xanh.

Đến các địa phương trong tỉnh, chúng tôi ghi nhận hiệu quả mang lại khá rõ từ một số mô hình mới về ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Ở xã Tân Hải (Ninh Hải) có mô hình san phẳng đồng ruộng (33ha) bằng thiết bị laser; xã An Hải (Ninh Phước) có công nghệ sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ được áp dụng quy mô lớn tại trang trại Tiên Tiến,…. Huyện Ninh Sơn có mô hình trồng lan (7 ha) bằng phương pháp nuôi cấy mô. Để thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư, nhất là đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, Sở NN&PTNT đã chủ động mời gọi và phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh phê duyệt và triển khai 11 dự án đã và đang đi vào hoạt động. Trong đó nổi bật có các dự án: “Xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh”; “Phát triển dược liệu, cây ăn quả chất lượng cao Nitatech”; “Phát triển vùng nguyên liệu nho rượu theo hướng ứng dụng công nghệ cao kết hợp nông nghiệp hữu cơ của Công ty TNHH Ladora Farm Ninh Thuận”; “Trang trại Sun and Wind của Công ty CP Thực phẩm Cánh Đồng Việt”; “Sản xuất dưa lưới, dưa lê DannyGreen”; “Sản xuất dưa lưới VietGAP kết hợp trồng cây dược liệu của Công ty TNHH Dược liệu Phước Điền”.

Tuy nhiên bên cạnh đột phá nói trên, có thể thấy trong giai đoạn 2015-2020 việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng bền vững còn đạt thấp; thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn khó khăn, nhất là ở các lĩnh vực trồng trọt và dịch vụ nông nghiệp. Nguyên nhân, theo đồng chí Đặng Kim Cương, là do tình hình biến đổi khí hậu gay gắt, hạn hán kéo dài, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường; quy mô sản xuất bình quân còn nhỏ lẻ, tích lũy tài chính trong nông dân quá thấp không đủ nội lực để chuyển đổi bền vững sang cây lâu năm, đáng nói là còn một bộ phận người dân trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của nhà nước.

Trong giai đoạn 2020-2025, để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững cả về kinh tế, xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, Sở NN&PTNT khuyến khích các DN đầu tư vào các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, khả năng cạnh tranh thông qua sự khác biệt và đa dạng hóa sản phẩm. Cụ thể là đẩy nhanh ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới, công nghệ cao gắn với đào tạo nghề cho nông dân trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản và nghiệp vụ làm du lịch; phát triển các sản phẩm đặc thù của tỉnh với các cụm liên kết ngành hàng theo chuỗi giá trị gắn với Chương trình OCOP (Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”) và du lịch trải nghiệm. Để tăng tiêu thụ và từng bước mở rộng thị trường cho xuất khẩu, phấn đấu có tối thiểu 50% diện tích canh tác tại các vùng sản xuất tập trung tham gia các liên kết sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu. Có trên 10 hợp tác xã (HTX) ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; có khoảng 30% HTX nông nghiệp liên kết với DN theo chuỗi giá trị.

Thực hiện mục tiêu trên, với chức năng cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp, Sở NN&PTNT đề ra nhiệm vụ triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch thủy lợi, Quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,… gắn với bản đồ nông hóa thổ nhưỡng để xây dựng các vùng sản xuất tập trung, vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả. Trên cơ sở đó thực hiện hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiết kiệm nước, công nghệ sạch, thân thiện môi trường vào sản xuất nông nghiệp và liên kết chuỗi giá trị.