Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh lấy ý kiến đóng góp các dự thảo luật

Ngày 8-5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, dự kiến trình Quốc hội (khóa XIV) tại kỳ họp thứ 9. Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hà, UVTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu nhất trí cao với việc cần sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật đối với công tác phòng, chống thiên tai và quản lý đê điều trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Đồng thời, các đại biểu góp ý thêm các nội dung như: Cần xác định quy mô, số lượng nguồn nhân lực tham gia phòng, chống thiên tai đảm bảo phù hợp với từng cấp độ thiên tai, đặc điểm của từng địa phương; phân công trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, tổ chức, tránh sự chồng chéo nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác phòng, chống thiên tai; bổ sung một số loại hình thiên tai mới có thể gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

* Chiều cùng ngày, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh tiếp tục tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hà, UVTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh chủ trì hội nghị.

Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh tiếp tục tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có hiệu lực 3 năm qua. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung lần này được đề xuất sửa đổi, bổ sung trên 50 điều, khoản và những quy định cụ thể để Luật áp dụng vào thực tiễn chặt chẽ và chính xác. Tại hội nghị, các đại biểu tập trung cho ý kiến các vấn đề như: Luật cần bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, trách nhiệm của người đứng đầu trong trường hợp dự thảo văn bản được giao chủ trì không đảm bảo về chất lượng, chậm tiến độ, không đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; cần đổi mới trong việc lấy ý kiến và đảm bảo quyền tham gia ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động; kéo dài thời gian để cho chính quyền địa phương có đủ thời gian xây dựng, ban hành văn bản...

Thay mặt Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hà ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời tổng hợp để trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.