Kỷ niệm 134 năm ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2020)

Phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân Việt Nam

Từ nửa cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản bước sang giai đoạn độc quyền; sản xuất công nghiệp tăng nhanh. Giai cấp tư sản tăng cường bóc lột và bần cùng hóa công nhân lao động; mâu thuẫn giai cấp ngày càng sâu sắc, dẫn đến nhiều cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản diễn ra với quy mô ngày càng lớn.

Ngày 1-5-1886, hưởng ứng lời kêu gọi của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Mỹ, hàng chục ngàn công nhân đến từ các dân tộc, các màu da khác nhau của thành phố Chi – ca – gô đã tổ chức mít tinh, biểu tình trên đường phố với khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ”. Khẩu hiệu đó đã trở thành tiếng nói chung của người lao động (NLĐ) trên khắp các châu lục. Để ghi nhận những thành quả của phong trào công nhân các nước, ngay trong Đại hội thành lập Quốc tế thứ II, được triệu tập ngày 14-7-1889, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1-5 làm ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới. Từ đó, ngày 1-5 trở thành ngày Quốc tế Lao động. Ngày Quốc tế Lao động đã trở thành ngày lễ tại nhiều quốc gia trên thế giới, để tôn vinh lao động, gây dựng đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Đối với nước ta, ngày Quốc tế Lao động (1-5) càng có ý nghĩa khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cùng kỷ niệm ngày Chiến thắng lịch sử 30-4, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ôn lại truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng của dân tộc. Ở tỉnh ta trong thời kỳ đấu tranh cách mạng, phong trào công nhân cũng phát triển sôi nổi, tiêu biểu là cuộc mít-tinh của công nhân Đề-pô xe lửa Tháp Chàm (1-5-1930), đề ra yêu sách tăng lương, ngày làm 8 giờ, bỏ cúp phạt… Phát huy truyền thống tốt đẹp đó, đội ngũ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) luôn nêu cao ý chí, tự lực tự cường, năng động sáng tạo đi đầu trong sự nghiệp đổi mới của Đảng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị ở địa phương.

Công nhân Công ty TNHH May Tiến Thuận thi đua lao động sản xuất vượt qua khó khăn trong tình hình dịch Covid-19. Ảnh: U.T

Hiện toàn tỉnh có trên 46.000 lao động, trong đó, khu vực hành chính - sự nghiệp chiếm tỷ lệ 42,3%, sản xuất kinh doanh chiếm tỷ lệ 57,6%. Với vai trò tập hợp, vận động, khuyến khích CNVCLĐ phát huy năng lực trong lao động, sản xuất, các cấp công đoàn đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, gắn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và an toàn vệ sinh lao động. Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28-1-2008 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước càng tạo động lực, sức thi đua lan tỏa, sâu sắc, góp phần quan trọng giúp CNVCLĐ nâng cao nhận thức, phẩm chất chính trị, ý thức học tập chuyên môn, rèn luyện tay nghề, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, xây dựng giai cấp công nhân tỉnh nhà không ngừng lớn mạnh. Nhiều tập thể, cá nhân tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa công việc để nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, cải thiện môi trường làm việc, tiết kiệm chi phí sản xuất, làm lợi cho cơ quan, đơn vị nhiều hàng tỷ đồng mỗi năm. Thông qua các phong trào thi đua, nhiều công trình, sản phẩm được xây dựng, đẩy nhanh tiến độ, phục vụ cho phát triển sản xuất, an sinh xã hội, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà.

Công nhân Công ty Điện lực Ninh Thuận vệ sinh trạm biến áp. Ảnh: CTV

Công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, chăm lo đời sống cho NLĐ được quan tâm thực hiện tốt. Các cấp công đoàn chủ động phối hợp với các ngành chức năng nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động và các chế độ, chính sách liên quan đến NLĐ, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Đồng thời đề xuất thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, tổ chức đối thoại, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Hàng năm, 100% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp tổ chức hội nghị CBCCVC; trên 80% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn mở hội nghị NLĐ. Thông qua tiếng nói của tổ chức công đoàn, nhiều lĩnh vực công tác như an toàn vệ sinh lao động, xây dựng đời sống văn hóa, hoạt động thăm hỏi đoàn viên trong các dịp lễ, tết, chăm lo xây dựng nhà ở cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn… được lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Hầu hết các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc chế độ tiền lương, tiền thưởng, nhất là mức lương tối thiểu vùng theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh những mặt tích cực, đời sống, việc làm của NLĐ vẫn còn nhiều khó khăn. Tình trạng doanh nghiệp không tham gia đầy đủ, nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN vẫn còn diễn ra. Một số doanh nghiệp năng lực cạnh tranh thấp nên không mở rộng được sản xuất kinh doanh hoặc phải tạm ngưng hoạt động; đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, cũng như việc làm, thu nhập của nhiều lao động.

Để thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ tập hợp, vận động, thực sự là tổ chức đại diện của NLĐ, đưa giai cấp công nhân tỉnh nhà ngày càng vững mạnh, đáp ứng thời kỳ đổi mới, thời gian tới, tổ chức công đoàn tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động triển khai hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước; đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động đội ngũ CNVCLĐ thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tập trung tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ VII, tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Chủ động tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về lao động trong các doanh nghiệp. Tăng cường vai trò của tổ chức công đoàn trong việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Đặc biệt, trong thời gian này, tiếp tục theo dõi tình hình, chỉ đạo các CĐCS phối hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; đồng thời tham mưu cho các cấp, các ngành chức năng triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp, lao động gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra.