Bước phát triển của ngành Thủy sản

Những ngày đầu tháng 4, có dịp đi về miền biển chúng tôi ghi nhận không khí rộn ràng chuẩn bị ra quân khai thác vụ cá Nam của ngư dân. Từ các bến, cảng cá dõi mắt nhìn theo những chiếc tàu đang nhấp nhô trên sóng biển, chúng tôi hình dung ra những mẻ lưới đánh bắt đầy ắp cá tôm đang chờ đón. Sau chặng đường 28 năm vượt khó vươn lên, ngành Thuỷ sản tỉnh ta đã cho thấy bước phát triển mạnh mẽ trên cả 2 lĩnh vực: Khai thác hải sản và nuôi trồng thủy sản (NTTS).

Bức tranh thay đổi tổng thể

Theo anh Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, nhiều người từng công tác trong ngành đến giờ vẫn không quên thực trạng nghề cá ngày ấy. Vào năm 1992 năng lực sản xuất tỉnh ta còn rất thấp, cả tỉnh chỉ có 1.022 tàu cá với công suất 15.900 CV. Chúng tôi còn nhớ những năm 1996, 1997, 1998 cỡ thuyền 45 CV đã được coi là “to”; các xã, phường ven biển như Cà Ná, Phước Diêm, Phước Dinh (Thuận Nam), Đông Hải, Mỹ Đông (Tp Phan Rang-Tháp Chàm), Khánh Hải, Tri Hải, Thanh Hải và Vĩnh Hải (Ninh Hải) cũng chỉ dám đặt mục tiêu khuyến khích ngư dân đầu tư phát triển thuyền nghề từ 45 CV trở lên. Thế nhưng ngày nay, năng lực tàu cá toàn tỉnh là 2.470 chiếc với tổng công suất 498.201CV, riêng tàu cá công suất từ 90 CV trở lên có 1.640 chiếc, từ 400 CV trở lên có 385 chiếc, trong đó có 81 chiếc từ 700 CV trở lên và 3 chiếc có công suất trên 1.000 CV; chỉ nhìn vào công suất máy đã thấy sự thay đổi lớn của đội tàu cá. Còn tính theo tàu có vỏ dài từ 15m trở lên (tức tàu khai thác xa bờ theo Luật Thủy sản 2017 quy định), toàn tỉnh hiện có 703 chiếc; trong đó có 638 chiếc vỏ dài từ 15m-dưới 20m, 45 chiếc từ 20m - dưới 24m và 20 chiếc từ 24m - dưới 30m.

Ngư dân Khánh Hải (Ninh Hải) vươn khơi khai thác hải sản đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Văn Nỷ

Về NTTS, năm 1992 cả tỉnh có 482 ha diện tích mặt nước thả nuôi tôm và vỏn vẹn có 14 trại sản xuất tôm giống. Chị Bùi Thị Anh Vân, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh nhớ lại: “Ngày ấy các đìa nuôi tôm chủ yếu tập trung quanh đầm Nại, còn trại tôm giống chỉ có rải rác dọc bờ biển Bình Sơn và Tri Hải”. Trong 28 năm qua, lĩnh vực NTTS đã bứt phá, vươn lên, từng bước khẳng định thế mạnh, trở thành ngành sản xuất hàng hóa quan trọng. Do NTTS có những biến động mới, năm 2019 tôm thịt thả nuôi toàn tỉnh chỉ đạt diện tích 836 ha (trong đó có 26 ha tôm sú và 810 ha tôm thẻ chân trắng), tuy ao đìa nuôi tôm giảm dần song diện tích mặt nước thả nuôi các đối tượng hải đặc sản khác tăng lên. Đặc biệt xác định sản xuất giống thủy sản là chủ lực, đến nay toàn tỉnh đã có 450 cơ sở sản xuất tôm giống hoạt động, bao gồm 250 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng và 200 cơ sở sản xuất giống tôm sú; ngoài ra còn có 38 cơ sở hoạt động sản xuất giống ốc hương.

Sản lượng thu hoạch tăng dần

Sự vươn lên của ngành Thuỷ sản tỉnh nhà có thể thấy rõ qua sản xuất và sản lượng thu hoạch, theo tư liệu chúng tôi có được, năm đầu tái lập tỉnh sản lượng khai thác hải sản chỉ đạt 12.650 tấn, tôm sú nuôi đạt 633 tấn, tôm sú giống đạt 50 triệu con, riêng các đối tượng thuỷ sản nuôi trồng khác cho đến năm 2000 vẫn chưa có gì. Nhưng sau vài năm, sản lượng khai thác, sản xuất thuỷ sản đã tăng đáng kể, đơn cử năm 2019 sản lượng hải sản khai thác đạt 113.436,50 tấn, gần gấp 10 lần của năm 1992. Về NTTS, thu hoạch tôm nuôi thương phẩm, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng đạt 6.772 tấn (hơn 10 lần), tôm hùm lồng đạt 75 tấn. Ngoài ra còn có sản lượng thu hoạch của các đối tượng nuôi trồng mới như: Rong sụn (1.100 tấn), cá nước ngọt (248 tấn), ốc hương (1.200 tấn), nhuyễn thể khác như hàu, cua, ghẹ (971 tấn), cá nước mặn (35 tấn). Đáng nói là lĩnh vực sản xuất giống thủy sản đạt sản lượng khoảng 33,9 tỷ postlarvae tôm giống (trong đó có 27,7 tỷ con tôm thẻ chân trắng và 6,2 tỷ con tôm sú), song song đó còn có 38 cơ sở sản xuất 320 triệu con giống ốc hương.

Phát triển nuôi tôm ở xã Phước Dinh. Ảnh: V.M

Trong bước tiến dài của ngành Thuỷ sản không thể không nhắc tới hệ thống các công trình hạ tầng. Sau ngày tái lập tỉnh, bằng nhiều nguồn vốn thuộc các chương trình của Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương, tỉnh ta đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các cảng cá Đông Hải, Cà Ná, Ninh Chữ và bến cá Mỹ Tân đủ sức tiếp nhận trên 6.000 lượt tàu cá ra vào thuận lợi quanh năm, trú ẩn gió bão an toàn. Hạ tầng cho NTTS cũng được quan tâm đầu tư xây dựng như: Hệ thống kênh, mương, đê, kè, trạm bơm, hệ thống điện, đường giao thông...Các công trình hạ tầng đã góp phần hình thành vùng sản xuất tập trung giống thủy sản tại An Hải (Ninh Phước) và Nhơn Hải (Ninh Hải), vùng nuôi tôm thương phẩm đầm Nại, Sơn Hải (Phước Dinh, Thuận Nam) và An Hải.

Theo đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ khi tái lập tỉnh đến nay, đã có nhiều lĩnh vực kinh tế thuỷ sản của tỉnh ta bứt phá, vươn lên đáng ghi nhận. Trong xu hướng phát triển mới, ngư dân được khuyến khích đầu tư tàu thuyền công suất lớn, hiện đại hóa đội tàu cá tỉnh nhà để đủ sức vươn khơi xa nhằm khai thác ngày càng nhiều hải sản có giá trị kinh tế cao, phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Song song đó, ngành tập trung xây dựng tỉnh ta trở thành trung tâm sản xuất giống thủy sản chất lượng cao của cả nước, xây dựng thương hiệu tôm giống Ninh Thuận ngày càng phát triển, uy tín trên thị trường. Sau 28 năm, thuỷ sản tỉnh ta đang tiếp tục tạo sức bật, đóng góp xứng đáng hơn nữa vào sự phát triển kinh tế biển.