Nước về trên vùng đất nắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, đi thăm các công trình thủy lợi, ghi nhận nỗ lực của tỉnh trong thu hút đầu tư các dự án cấp bách ứng phó với hạn. Nước về tưới mát đồng xanh giúp nông dân ở những vùng khô hạn duy trì sản xuất, ổn định cuộc sống.

Nhận tin vui chỉ mới thông nước kỹ thuật kênh chính hai tháng, nhưng Dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ đã phát huy tác dụng, thúc dục chúng tôi mục sở thị. Men theo con đường mòn, qua những vùng “đất khát” thuộc xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn), Phước Trung (Bác Ái) là tuyến đường ống bằng thép vươn dài đưa nước từ Đập dâng Tân Mỹ về bổ sung cho hồ Thành Sơn. Sau một năm vất vả di chuyển đàn gia súc “né hạn”, nước về các chủ trang trại dê, cừu ở thôn Đồng Dày, xã Phước Trung phấn khởi trồng cỏ chăn nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập. Dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ là dự án đa mục tiêu, có nhiệm vụ cấp nước và tạo nguồn tưới cho 7.480 ha đất sản xuất nông nghiệp vùng hạ du; tiếp nước cho đập Nha Trinh, Lâm Cấm, đảm bảo tưới tiêu trên 12.000 ha; phục vụ nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Tháng 4-2019, dự án thông nước kênh chính đến K11+851, đáp ứng nước tưới cho 2.200 ha. Đến tháng 2 vừa qua, kênh chính đã thi công hoàn thành và thông nước đến K21+827, tăng diện tích tưới trực tiếp thêm 3.761 ha.

Công trình Đập hạ lưu sông Dinh hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ ứng phó với hạn.

Trong niềm vui phấn khởi hôm nay, không thể quên được nỗ lực cố gắng vượt bậc của ngành chức năng, huyện Ninh Sơn, Bác Ái đã đồng hành với nhà thầu tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng đẩy nhanh tiến độ thi công công trình. Xác định việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và phát huy công năng những hạng mục công trình Dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong công tác ứng phó hạn trên địa bàn tỉnh, nên Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 7 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẩn trương triển khai thi công hoàn thành các tuyến kênh nhánh, cùng với tuyến kênh chính đã thi công phát huy hiệu quả cao nhất công tác ứng phó với hạn. Hiện chủ đầu tư đang tiếp tục triển khai các hạng mục, công trình còn lại của dự án từ K21+827 đến K29+642 đúng tiến độ và chất lượng công trình, góp phần đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt của người dân, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp.

Kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 28 năm ngày tái lập tỉnh, nhà thầu huy động nhân lực, thiết bị máy móc đẩy nhanh tiến độ công trình hồ chứa nước Sông Than (trên địa bàn xã Hòa Sơn, Ninh Sơn). Đây là dự án trọng điểm của tỉnh, phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, có tổng mức đầu tư 855 tỷ đồng, được triển khai xây bằng nguồn vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận thực hiện một số dự án quan trọng, cấp bách theo nội dung Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ.

Đơn vị thi công huy động thiết bị máy móc để đẩy nhanh tiến độ công trình hồ chứa nước Sông Than (Ninh Sơn). Ảnh: Văn Nỷ

Công trình có thể tích chứa 85 triệu m3, sau khi đưa vào sử dụng cấp nước tưới cho 4.500 ha đất nông nghiệp, nước sinh hoạt cho 20.000 hộ dân vùng hạ lưu, có ý nghĩa to lớn để phát triển sản xuất, nâng cao mức sống của nhân dân trong vùng dự án, góp phần bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn, tạo cảnh quan du lịch. Sau gần 2 năm thi công, đến nay một số hạng mục công trình cơ bản đã hoàn thành, kênh thông hồ đạt 100% khối lượng xây lắp, khoan phụt đạt 80%, đập chính đổ bê tông đạt 65%, đất đắp đạt 11%.

Nhìn lại quá trình thực hiện hoạch định phát triển mạng lưới thủy lợi từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay đạt được nhiều kết quả. Trước năm 1975, trên địa bàn tỉnh chỉ có hệ thống thủy lợi Nha Trinh - Lâm Cấm với nhiệm vụ tưới cho khoảng 10.000 ha, đến nay hình thành thêm 21 hồ chứa với tổng dung tích hơn 194 triệu m3, năng lực tưới tăng lên 16.692 ha. Đặc biệt, cuối nhiệm kỳ 2015-2020 có thêm những công trình thủy lợi mang tầm thế kỷ. Không riêng gì hồ Sông Than, Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, mà Dự án Đập hạ lưu sông Dinh đầu tư xây dựng vào cuối tháng 3-2017, được hoàn thành, đưa vào sử dụng trong tháng Tư lịch sử này đã góp phần vào phát triển nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngành Thủy lợi trong thời kỳ đổi mới đang phát triển và hình thành mạng lưới kênh mương lan tỏa rộng khắp, đưa nước từ các đập, hồ chứa đầu nguồn đến mặt ruộng. Để khắc phục tình trạng thiếu nước cục bộ, giải pháp kết nối liên thông các hồ chứa đang được tỉnh chỉ đạo xúc tiến triển khai thực hiện.

Có thể nói, nhờ sự quan tâm đến phát triển thủy lợi, tạo nguồn nước phục vụ sản xuất trong điều kiện thời tiết khô hạn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nên ngành Nông nghiệp đã khai thác được tiềm năng, lợi thế, tạo bứt phá trong sản xuất những loại cây trồng đặc thù có giá trị kinh tế cao, như nho, táo, măng tây xanh... theo quy mô tập trung.