Phước Dinh hôm nay

Xã Phước Dinh, (Thuận Nam) được nhiều người biết đến bởi những tên đất, tên người đã đi vào lịch sử. Phước Dinh vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân vào năm 1994. Sau 45 năm kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xã Phước Dinh anh hùng đã và đang từng ngày thay da, đổi thịt, trở thành một trong những điểm đến được du khách và nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn.

Xã Phước Dinh cách Tp. Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 30km về hướng Đông Nam, đây là vùng đất đầy nắng và gió với những khó khăn trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, với nỗ lực của chính quyền địa phương, sự đồng lòng của nhân dân, vùng đất anh hùng trong quá trình lao động sản xuất cùng với sự quan tâm đầu tư của Trung ương và của tỉnh trong những năm qua đã biến những bất lợi về thổ nhưỡng, thời tiết của vùng đất này trở thành lợi thế phát triển dựa vào đặc trưng vùng miền.

Từ trung tâm Tp. Phan Rang- Tháp Chàm, dọc theo tuyến đường ven biển về hướng Đông Nam, chúng ta dễ dàng cảm nhận được sự thay đổi của vùng đất này. Con đường ven biển được hình thành với 2 làn đường rộng đã tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa, giao thương. Những trụ điện gió cao chọc trời, những cánh đồng điện mặt trời bao la như làm cho khoảng cách từ trung tâm thành phố đến Phước Dinh như được rút ngắn. Đi gần hết cung đường ven biển là đến làng biển Sơn Hải, xã Phước Dinh (Thuận Nam), nhìn từ trên cao làng biển Sơn Hải nằm nhỏ gọn trước mặt biển bao la. Sau hơn 45 năm giải phóng, từ một làng chài nghèo, người dân nơi đây đã đoàn kết, vượt qua khó khăn, biến vùng đất khó khăn ngày nào trở thành một làng biển trù phú. Đứng trên tuyến đường ven biển Phú Thọ- Mũi Dinh, làng biển Sơn Hải 1 và Sơn Hải 2 như bức tranh, với những ngôi nhà khang trang cùng hàng trăm tàu thuyền neo đậu chuẩn bị cho những chuyến biển mới.

Vẻ đẹp sơn thủy hữu tình, hoang sơ tự nhiên của Mũi Dinh (Thuận Nam). Ảnh: Văn Nỷ

Theo nhiều người dân trong làng, những năm qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã mở ra hướng đi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân trong tỉnh nói chung, người dân xã Phước Dinh nói riêng tiếp cận các nguồn vốn phát triển kinh tế. Trong đó, Nghị định 67 của chính phủ là một trong những chủ trương đúng đắn giúp người dân tiếp cận nguồn vốn để đầu tư cải hoán, đóng mới tàu thuyền công suất lớn. Từ đây, những con tàu công suất lớn mang tên “Tàu 67” lần lượt vươn khơi, bám biển khai thác hải sản mang theo khát vọng làm giàu từ biển của ngư dân. Theo thống kê, xã Phước Dinh hiện có 232 tàu thuyền, với tổng công suất 13.149 CV, sản lượng khai thác hải sản hàng năm đạt trên 5.700 tấn. Đây là con số thể hiện rõ sự khởi sắc trong việc cải thiện đời sống người dân và bộ mặt nông thôn xã vùng biển Phước Dinh trong thời gian qua. Bên cạnh đó, với lợi thế bờ biển dài 17 km, xã Phước Dinh được xem là vùng nuôi tôm thương phẩm lớn nhất của tỉnh, với trên 274 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, sản lượng ước đạt 3.600 tấn/năm; 38 ha nuôi ốc hương thương phẩm, sản lượng ước đạt 1.000 tấn/năm, góp phần quan trọng nâng cao đời sống kinh tế của người dân địa phương.

Ngoài ra, từ chủ trương ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Phước Dinh đón nhận nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư trên lĩnh vực du lịch, điện gió và nuôi trồng thủy hải sản. Trong đó, nổi bật là dự án Điện gió Mũi Dinh do Công ty EAB của CHLB Đức làm chủ đầu tư có tổng công suất 37,6 MW, với tổng vốn 1.272 tỷ đồng, gồm 16 tua bin được xây dựng trên diện tích 12 ha; dự án Điện mặt trời Bàu Ngứ do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành làm chủ đầu tư với tổng vốn 1.150 tỷ đồng, lắp đặt tổng cộng hơn 162.000 tấm pin năng lượng mặt trời trên diện tích gần 75 ha. Có mặt tại công trường dự án điện mặt trời Bàu Ngứ, chúng tôi cảm nhận được không khí hăng say lao động của đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên và niềm vui của những công nhân lao động người địa phương. Có thể nói, sự hình thành các dự án điện mặt trời, điện gió đã góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Điện mặt trời Mũi Dinh (Thuận Nam). Ảnh: V.M

Chia tay làng biển Sơn Hải, men theo đồi cát chúng tôi trở lại những địa danh Mũi Dinh, Bãi Tràn, Vũng Tròn, Bàu Ngứ, bãi cát trắng... của xã Phước Dinh. Hơn 10 năm trước, những danh thắng này còn nguyên sơ với những đồi cát trãi dài; cát bay, cát nhảy vào mùa gió bấc, chỉ có cây dại và xương rồng là hiện diện, tồn tại như tinh thần bất khuất của người dân anh hùng trên vùng đất cát này. Giờ có nhiều thay đổi, những đồi cát nắng gió ngày nào đã và đang trở thành lợi thế phát triển, với những khu du lịch mang tầm cở quốc tế, như: Khu du lịch Tayoli, khu nghỉ dưỡng cao cấp và thể thao mạo hiểm Ecopark, cùng với loại hình du lịch đua xe trên cát đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Đây là tiền đề để phát triển du lịch, kết hợp với dịch vụ, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh và huyện, xã Phước Dinh hôm nay đã thật sự đổi thay. Vào dịp cuối tuần, những ngày nghỉ lễ, tết, trên tuyến đường ven biển lượng du khách trong và ngoài tỉnh hướng về các điểm du lịch trên địa bàn xã ngày càng đông, tạo không khí nhộn nhịp nơi vùng đất cát đầy nắng và gió. Có thể nói, ngày nay diện mạo vùng đất anh hùng đang đổi thay từng ngày, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên, Phước Dinh đang khoác lên mình màu áo mới.