Đôn đốc, xử lý các dự án điện gió chậm tiến độ

Toàn tỉnh hiện có 13 dự án điện gió đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư, với tổng quy mô công suất 681,25 MW, tổng nguồn vốn đăng ký trên 25,8 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay chỉ mới có 4/13 dự án ký hợp đồng mua bán điện với Điện lực Việt Nam (EVN). Trong số đó, có 3 dự án đã triển khai xây dựng đi vào hoạt động, các dự án còn lại hầu hết đều bị chậm tiến độ.

Nhiều dự án chậm tiến độ

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 dự án chậm tiến độ dưới 12 tháng và 4 dự án khác chậm tiến độ trên 12 tháng. Dự án Nhà máy điện gió Win Energy Chiến Thắng do Công ty TNHH Điện gió Chính Thắng làm chủ đầu tư mặc dù đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN và tiến hành khởi công vào tháng 4-2019, hiện chỉ mới tiến hành san lấp mặt bằng, chưa triển khai thi công ngoài thực địa. Theo báo cáo của công ty, dự án bị chậm trễ do công tác thỏa thuận đấu nối và lựa chọn nhà thầu EPC kéo dài, do đó đơn vị xin lùi thời gian hoàn thành đi vào hoạt động dự án đến quý II-năm 2021. Nhà máy điện gió Hanbaram do Công ty Cổ phần Điện gió Hanbaram làm chủ đầu tư công suất 115,6 MW, được cấp quyết định chủ trương đầu tư từ đầu năm 2018. Theo kế hoạch, dự án khởi công xây dựng vào tháng 4-2019 và hoàn thành đưa vào hoạt động trong tháng 7-2020. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư mới chỉ dừng lại ở việc thực hiện các thủ tục khảo sát để lập thiết kế dự án. Đối với nhà máy điện gió Phước Minh, huyện Thuận Nam, quy mô công suất 27,3 MW, dự kiến khởi công và đưa vào hoạt động trong năm 2018, nhưng chủ đầu tư xin giãn tiến độ đến cuối năm 2020. Nhà máy điện gió Lợi Hải 2, huyện Thuận Bắc, cũng dự kiến khởi công và hoàn thành trong năm 2018, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất thủ tục bổ sung quy hoạch đấu nối, thỏa thuận hợp đồng mua bán điện, lựa chọn nhà thầu EPC và đền bù, giải phóng mặt bằng dự án.

Ông Trương Xuân Vỹ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Khó khăn nhất của các dự án là công tác bổ sung quy hoạch đấu nối, do thực hiện Luật Quy hoạch mới, việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý để bổ sung quy hoạch điện lực đối với dự án cần nhiều thời gian… nên có đề nghị xin được giãn tiến độ thực hiện dự án. Tuy nhiên, xét thấy việc đăng ký giãn tiến độ không phù hợp với quy định của Luật Đầu tư, do đó Sở Kế hoạch và Đầu tư đang đề nghị chủ đầu tư tiến hành cam kết tiến độ thời gian tới và khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Đôn đốc tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư

Đối với một số dự án chậm tiến độ kéo dài, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành thanh tra để xác định dự án thuộc diện xem xét chấm dứt hoạt động. Qua thanh tra, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thông báo vi phạm tiến độ và xử phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng đối với Công ty TNHH Hưng Tín, chủ dự án Nhà máy điện gió Phước Hữu Duyên Hải 1 do không không thực hiện đúng các nội dung quy định tại quyết định chủ trương đầu tư. Đối với Dự án Nhà máy điện dùng năng lượng tái tạo Phước Nam Enfinity Ninh Thuận, do Công ty TNHH MTV Enfinity Ninh Thuận làm chủ đầu tư, thực hiện tại huyện Ninh Phước và Thuận Nam với 3 khu vực, nhưng quá trình triển khai dự án rất chậm, chủ đầu tư không ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án. Sau nhiều lần đôn đốc không có tín hiệu triển khai tích cực, UBND tỉnh đã hủy chủ trương dự án tại 2 vị trí và thu hồi một phần dự án. Đồng thời bổ sung các dự án mới có năng lực đầu tư để phát huy hiệu quả, lợi thế phát triển của tỉnh. Trong năm 2019 đã có 2 dự án mới được cấp quyết định chủ trương đầu tư, gồm Nhà máy điện gió số 7A của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô, công suất 50 MW, dự kiến khởi công và hoàn thành dự án trong năm 2020 và Dự án công trình Phong điện Việt Nam Power số 1, của Công ty Palatial Global Inc, công suất 30 MW, dự kiến sẽ khởi công và hoàn thành năm 2021.

Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam đẩy nhanh tiến độ thi công giai đoạn 2 của dự án.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tiến độ UBND tỉnh đã yêu cầu các chủ dự án cần chủ động thể hiện quyết tâm đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công thực hiện các dự án. Mặt khác, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan, đốc thúc tiến độ thực hiện các dự án đường dây truyền tải điện nhằm đáp ứng nhu cầu giải phóng hết công suất của các dự án năng lượng tái tạo. Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin, phối hợp với địa phương để tháo gỡ những khó khăn, triển khai thực hiện kịp thời các dự án. Các sở, ngành, địa phương liên quan cần chú trọng công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ các doanh nghiệp về thủ tục đầu tư, xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; kịp thời rà soát, bổ sung các dự án thay thế để không ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư và lợi thế phát triển của tỉnh trong thời gian tới.