Ngành Công Thương phấn đấu hoàn thành 3 chỉ tiêu chủ yếu

Năm 2020, ngành Công Thương đề ra chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 8.800 tỷ đồng, tăng khoảng 20 - 23%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 26.000 tỷ đồng, tăng 14%; giá trị kim ngạch xuất khẩu 120 triệu USD, tăng 20% so cùng kỳ năm 2019. Để phấn đấu đạt 3 chỉ tiêu chủ yếu, ngay từ đầu năm Sở Công Thương đã triển khai các nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp đột phá một cách quyết liệt.

Theo đồng chí Phạm Đăng Thành, Giám đốc Sở Công Thương, năm nay với quyết tâm tạo môi trường đầu tư thông thoáng nhằm thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đóng góp và tăng trưởng kinh tế, đơn vị sẽ tăng cường đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động sản xuất ổn định. Thường xuyên trao đổi, thông tin, cũng như tham dự các cuộc gặp gỡ giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, nhằm kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh phương hướng giải quyết. Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp giải quyết các khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp và đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp. Tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện để các dự án đầu tư trọng điểm triển khai hoàn thành đúng tiến độ, nhất là các dự án năng lượng tái tạo.

Nhà máy Điện gió Mũi Dinh (Thuận Nam) đã hòa lưới điện quốc gia vào tháng 1-2019. Ảnh: V.M

Tập trung tham mưu hoàn thiện hồ sơ chủ trương đầu tư và triển khai đầu tư Khu Công nghiệp Cà Ná gắn xây dựng cảng biển; hình thành dự án Điện khí Cà Ná và tổng kho LNG để tăng năng lực sản xuất mới. Hoàn thành và tham mưu dự thảo Đề án “Phát triển Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo” để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phương án đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống hạ tầng lưới điện 110KV, 220KV, 500KV, nhất là các công trình đầu tư hoàn thành trong năm 2020 để góp phần giải tỏa 2.000 MW điện của các dự án năng lượng tái tạo cũng được quan tâm thực hiện.

Về lĩnh vực thương mại, chú trọng thực hiện hiệu quả, đồng bộ công tác thông tin, dự báo, bám sát tình hình thị trường, triển khai các giải pháp phù hợp để đảm bảo cân đối “cung-cầu” các mặt hàng thiết yếu trong dịp lễ, tết; kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết “cung-cầu”, bình ổn thị trường, nhất là những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Tăng cường các hoạt động kết nối “cung-cầu”; liên kết với các doanh nghiệp ở những thành phố lớn, như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, các tỉnh, vùng lân cận để tiêu thụ sản phẩm đặc thù của tỉnh. Tham mưu xây dựng, triển khai các quyết định, chương trình, đề án, kế hoạch; phê duyệt chương trình xúc tiến thương mại địa phương năm 2020; danh mục địa điểm được tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại và lĩnh vực ưu tiên tổ chức hội chợ, triển lãm trên địa bàn tỉnh. Triển khai Đề án nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm; chương trình hành động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phát triển các điểm bán sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP của tỉnh cũng được tăng cường.

Người tiêu dùng ưu tiên mua hàng Việt Nam chất lượng cao tại siêu thị VinMart. Ảnh: Văn Nỷ

Có thể kỳ vọng ngành Công thương đạt được mục tiêu đề ra khi một số nhà máy chế biến các sản phẩm nông nghiệp đi vào hoạt động trong năm 2020 sẽ tạo ra năng lực mới. Những hạn chế về hồ chợp của Nhà máy nước nắm CaNa được khắc phục vào cuối năm 2019, sản lượng nước mắm tính vào năm nay, Nhà máy chế biến tôm số 1 đi vào hoạt động là tín hiệu đáng mừng. Cùng với đó, hoạt động xuất khẩu cũng có nhiều tín hiệu khả quan khi mà các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt và phát huy lợi thế để xuất khẩu các mặt hàng chủ lực. Dự báo năm nay, nhân hạt điều, nha đam tiếp tục phát huy các đơn hàng sang Trung Quốc nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa. Với việc tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, dệt may sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật Bản nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan từ 4,8% xuống 0%. Mặt hàng tôm đông lạnh dự báo sẽ tiếp tục tăng do hàng tồn kho của các nhà nhập khẩu từ Mỹ đã giảm, nguồn cung tôm tại Ấn Độ giảm do thời tiết xấu và dịch bệnh.

Với việc đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại công nghiệp, thương mại, gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có năng suất, giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao, cùng với những dấu hiệu khả quan ở đầu năm mới là điều kiện thuận lợi để ngành Công Thương thực hiện hoàn thành, vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu.