Tiếp tục thực hiện có kết quả Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”, trong năm 2019, với tinh thần trách nhiệm của các cơ quan thường trực Ban chỉ đạo, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đã tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện Đề án một cách quyết liệt, có tác động tích cực đến nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần ngăn chặn, khắc phục tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các vùng đồng bào DTTS trong tỉnh.

Qua con số thống kê, tính đến cuối tháng 11, vùng đồng bào DTTS trong tỉnh có 38 cặp DTTS tảo hôn, chiếm 2,5%, giảm 0,3% so với năm 2018. Trong đó, dân tộc Chăm có 2 trường hợp, chiếm 0,27%, giảm 0,24%; dân tộc Raglai có 36 trường hợp, chiếm 4,53%, giảm 0,09%. Đã tổ chức 24 lớp tập huấn để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân vùng đồng bào DTTS về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tổ chức ra mắt 1 câu lạc bộ, đến nay toàn tỉnh đã thành lập 13 câu lạc bộ “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương đã chủ động lồng ghép việc triển khai thực hiện Đề án với chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Đã tổ chức giao lưu, học tập giữa các địa phương trong tỉnh và các tỉnh bạn nhằm tạo điều kiện cho đồng bào DTTS có điều kiện trao đổi, giao thoa các nền văn hóa tiên tiến với đồng bào DTTS trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đó là, chuyển biến về nhận thức và hành động của các địa phương, đơn vị và đồng bào DTTS về thực hiện Đề án còn chậm; việc nắm bắt thực trạng, xu hướng và tình hình tảo hôn ở vùng đồng bào DTTS chưa được quan tâm đúng mức; công tác xử lý vi phạm còn lúng túng; nguy cơ tiềm ẩn việc tảo hôn còn cao; công tác chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thường xuyên, quyết liệt, nên chưa ngăn chặn, khắc phục triệt để tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS trong tỉnh.

Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai thực hiện có kết quả Đề án, các sở, ngành, địa phương cần xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và thường xuyên nên cần có lộ trình phù hợp để triển khai thực hiện; xem việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS là nhiệm vụ hàng đầu; cần chú trọng đối tượng, địa bàn trọng điểm để tập trung tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền phải phù hợp; cần quan tâm công tác tuyên truyền của các hội, đoàn thể, đặc biệt là lồng ghép việc tuyên truyền với các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương. Nâng cao hơn nữa vai trò của cơ quan tham mưu các cấp; tập trung củng cố Ban chỉ đạo các cấp; ban hành quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo; rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án để xác định nhiệm vụ của điạ phương cho phù hợp; rà soát, tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành các văn bản chỉ đạo cần thiết để tiếp tục việc thực hiện Đề án đảm bảo hiệu quả và đúng quy định. Một nội dung quan trọng, đó là, cần tiếp tục thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh và các chương trình, dự án đầu tư, các chính sách an sinh xã hội, nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS; quan tâm đầu tư hệ thống truyền thanh đến tận thôn, khu phố đảm bảo thông tin thông suốt đến đồng bào DTTS được kịp thời. Cần phát huy vai trò người uy tín trong đồng bào DTTS trong công tác tuyên truyền vận động; xây dựng quy ước thôn văn hóa và các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình. Các địa phương cần tổ chức hội nghị chuyên đề, lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về giới; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng chống bạo lực gia đình; kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình đến đồng bào DTTS….

Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các đoàn thể chính trị-xã hội cần chỉ đạo hệ thống Mặt trận, đoàn thể các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS; vận động hội viên giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc và tiến bộ; đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội; tăng cường tuyên truyền trong cộng đồng về hậu quả, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; đồng thời đấu tranh chống những quan điểm lạc hậu ngay từ trong gia đình và trong cộng đồng dân cư để khắc phục, hạn chế tình trạng này.