Kết quả qua triển khai thực hiện Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu, cơ bản đạt một số kết quả đáng ghi nhận.

Việc thực hiện Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ đã được UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) chủ trì thực hiện. Theo đó, thời gian qua Sở NN&PTNT đã triển khai nhiều giải pháp mang tính trọng tâm, trọng điểm, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền về hệ thống khung pháp lý Luật Thủy sản năm 2017 đến toàn thể ngư dân trong tỉnh. Tính đến thời điểm hiện tại, Sở đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố ven biển tổ chức 70 lớp tập huấn, tuyên truyền về chống khai thác bất hợp pháp IUU cho trên 2.900 lượt chủ tàu thuyền; tổ chức 4 lớp tập huấn IUU cho trên 237 lượt cán bộ, công chức, viên chức và các địa phương ven biển. Đồng thời, chủ động phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, UBND các huyện thành phố, Công an tỉnh và các cơ quan liên quan thường xuyên đến từng hộ ngư dân tuyên truyền, vận động ký cam kết thực hiện một số nội dung mà Chỉ thị 45 quy định, tránh tình trạng vi phạm khi đánh bắt trên biển. Đến nay, đã có 2.285 lượt chủ phương tiện và thuyền trưởng ký cam kết.

Tàu cá neo đậu tại khu vực đầm Nại, thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) . Ảnh: V.Nỷ

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT cũng đã ra Quyết định số 105/QĐ- SNNPTNT ngày 14-3-2018 thành lập 2 Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tỉnh Ninh Thuận tại Cảng cá Đông Hải và Cảng cá Cà Ná với 3 lực lượng chính là Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý Khai thác các cảng cá và Bộ đội Biên phòng tỉnh. Với chức năng chính của Văn phòng là kiểm tra, kiểm soát tàu cá khai thác hải sản khi xuất bến, cập bến, tổ chức kiểm tra sổ nhật ký khai thác thủy sản, ngư lưới cụ đánh bắt để kịp thời nhắc nhở và hướng dẫn ngư dân không vi phạm Luật Thủy sản trong các chuyến biển. Nhờ kiên trì, kiên quyết trong kiểm tra, giám sát, đến nay các chủ phương tiện tàu cá tại địa phương đã dần nâng cao ý thức trong việc khai thác hải sản nên mỗi chuyến biển đều đến Văn phòng đại diện để đăng ký và được cán bộ chuyên môn hướng dẫn các thủ tục cần thiết khi xuất bến. Anh Nguyễn Tấn Đạt, Chủ tàu cá tại xã Tri Hải (Ninh Hải) cho biết: Bản thân là thuyền trưởng tàu NT93466, trước mỗi chuyến biển đều đến Văn phòng đại diện để cán bộ chuyên môn kiểm tra giấy tờ xuất bến và xuống thuyền kiểm tra các trang thiết bị, nhất là các thiết bị cứu hộ thông tin liên lạc để đảm bảo mỗi chuyến biển sẽ an toàn hơn. Qua hơn 1 năm hoạt động, đến nay Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tỉnh đã tổ chức kiểm tra gần 5.300 lượt tàu cá xuất-nhập cảng, cấp 12 giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản với khối lượng trên 280 tấn cho 3 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá là chốt chặn cuối cùng trong việc kiểm tra các điều kiện cần và đủ để các phương tiện có thể vươn khơi đánh bắt. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và công tác kiểm tra, giám sát việc xuất nhập cảng nên đến nay tỉnh ta không có trường hợp nào vi phạm trong việc khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Ngoài công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát tàu khi xuất nhập cảng cá thì việc giám sát theo dõi, các hoạt động tàu cá trên biển là một trong những nội dung quan trọng cần thực hiện nghiêm túc. Để làm được việc này thì yêu cầu tất cả tàu cá hoạt động trên biển phải được lắp đặt thiết bị hành trình. Ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Việc quy định tất cả tàu thuyền phải triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là việc làm cần thiết, qua đó giúp các chủ tàu và các cấp quản lý nhà nước dễ dàng hơn trong việc theo dõi, cứu hộ, cứu nạn. Thiết bị giám sát hành trình được bật 24/24 giờ trong suốt quá trình đánh bắt hải sản sẽ tạo thuận lợi để kết nối với lực lượng chức năng trong đất liền theo dõi, giám sát. Tại tỉnh ta, sau thời gian tuyên truyền đến nay, trong tổng số 20 tàu thuyền có chiều dài trên 24 m thì đã có 17 phương tiện lắp đặt thiết bị hành trình, 3 chiếc còn lại đang đánh bắt xa bờ sau khi cập bến sẽ tiến hành lắp đặt. Riêng 588 tàu có chiều dài 15m trở lên sẽ được tiến hành lấp đặt thiết bị hành trình theo lộ trình đặt ra. Trong đó, tàu có chiều dài trên 15m nhưng làm nghề giã cào phải hoàn thành việc lắp đặt thiết bị hành trình hạn chót vào ngày 1-1-2020; các tàu làm nghề khác thì lộ trình hoàn thành việc lắp đặt vào ngày 1-4-2020.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu cho thấy việc triển khai lắp đặt thiết bị hành trình vẫn còn gặp một số khó khăn do kinh phí lắp đặt thiết bị tương đối cao nên không phải ngư dân nào cũng đủ điều kiện tiến hành. Thêm vào đó, ngư dân vẫn chưa rõ mức trả phí hàng tháng cho nhà cung cấp dịch vụ nên chưa mạnh dạn đầu tư. Một số ngư dân cho rằng, thời gian tới Sở NN&PTNT cần tổ chức đối thoại, trao đổi với ngư dân về nội dung này để tạo sự đồng thuận trong ngư dân nhằm quyết tâm thực hiện tốt Chỉ thị 45 của Chính Phủ.

Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ đã giúp ngư dân trong tỉnh nâng cao nhận thức pháp luật về khai thác hải sản, tạo sự gắn kết giữa cơ quan chức năng với ngư dân trong việc hỗ trợ pháp lý, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Qua đó, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; đồng thời nâng cao hiệu quả khai thác trên mỗi chuyến biển.