Ninh Phước chuyển biến từ thực hiện Nghị quyết 09 -NQ/TU của Tỉnh ủy

Xác định Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11-11-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là một trong những nghị quyết chuyên đề quan trọng của Tỉnh ủy ở lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua huyện Ninh Phước huy động cả hệ thống chính trị thực hiện, tạo sức lan tỏa sâu rộng.

Huyện ủy chủ động sáng tạo trong điều hành, kịp thời xây dựng Chương trình hành động xác định các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Để sớm đưa nghị quyết của Tỉnh ủy vào cuộc sống, huyện đã tổ chức học tập, nguyên cứu, quán triệt sâu rộng, tạo chuyển biến tích cực. Sau khi học nghị quyết, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ hơn về tầm quan trọng của việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới. Từ đó, thay đổi tập quán sản xuất cũ, nhỏ lẻ, thiếu bền vững, thiếu tính cạnh tranh trên thị trường, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp. Hướng tới mục tiêu cơ cấu lại ngành Nông nghiệp là nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, thu nhập của nông dân, huyện đã xây dựng quy hoạch các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Quá trình triển khai không rập khuôn mà có sự lựa chọn những mô hình phù hợp với điều kiện thực tế của từng xã, nhờ đó đã khai thác được tiềm năng, lợi thế vùng để phát triển các loại cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân xã An Hải (Ninh Phước) sản xuất măng tây xanh cho thu nhập cao. Ảnh: A.T

An Hải là một trong những xã thực hiện tốt Nghị quyết 09-NQ/TU. Trong những năm qua, đảng bộ, chính quyền địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn ứng phó với biến đổi khí hậu, vận động người dân khai thác tiềm năng các vùng đất pha cát để phát triển các loại cây trồng cạn, sử dụng ít nước. Hiện nay, trên địa bàn xã đã hình thành được vùng sản xuất măng tây xanh ứng dụng công nghệ cao quy mô tập trung. Cũng trên khu đất này, trước đây nông dân sản xuất rau màu thu nhập bình quân chỉ đạt khoảng 60 triệu đồng/ha/năm, nhưng từ khi chuyển qua trồng măng tây xanh có sự liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi đã nâng cao giá trị đơn vị diện tích lên gấp 10 lần, đạt 600 triệu đồng/ha/năm.

Việc huyện Ninh Phước nhanh chóng triển khai, đưa Nghị quyết 09-NQ/TU vào cuộc sống đã tạo “đột phá” thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững. Từ làm tốt công tác quy hoạch chi tiết, đến nay trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung hàng hóa, nông nghiệp hữu cơ. Sản xuất nông nghiệp nhờ đó chuyển dịch theo hướng phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế, có giá trị kinh tế cao. Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến nay, giá trị trên đơn vị diện tích sản xuất đạt trên 188 triệu đồng/ha/năm, tổng giá trị sản xuất ngành nông-lâm-thủy sản đạt hơn 2.460 tỷ đồng/năm.

Từ vận dụng sáng tạo những chính sách ưu đãi của Nhà nước, của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn, huyện hỗ trợ các hộ nhân rộng công nghệ sử dụng nước tiết kiệm, quy trình sản xuất cây trồng an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; quy trình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, công nghệ san phẳng mặt ruộng bằng tia laser, công nghệ bao lưới phòng chống chống ruồi trên cây táo phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của huyện. Ứng dụng quy trình công nghệ mới vào chăn nuôi để hình thành một số vùng chăn nuôi theo hướng phát triển trang trại, quy mô công nghiệp, bán công nghiệp.

Nông dân xã Phước Thuận (Ninh Phước) chăm sóc cây nho Syrah NH02-90.Ảnh: Phan Bình.

Qua gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU, nền nông nghiệp của huyện Ninh Phước phát triển khá toàn diện theo hướng chú trọng canh tác các cây trồng, vật nuôi có giá trị. Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được áp dụng, nhân rộng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng canh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, nhất là các sản phẩm đặc thù, có lợi thế trên địa bàn. Huyện huy động sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Đồng chí Nguyễn Thị Luyện, Bí thư Huyện ủy Ninh Phước, nhìn nhận: Đạt được kết quả trong thực hiện Nghị quyết 09 đó là nhờ huyện làm tốt công tác tuyên truyền để người dân ý thức được tầm quan trọng của việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu trong phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập của người dân. Quá trình thực hiện có sự kiểm tra, đôn đốc, biểu dương khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ mới, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Rà soát, quy hoạch để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp và xây dựng các mô hình điểm, các điểm trình diễn mô hình mới tại một số vùng để làm cơ sở cho người dân tham quan, học tập và nhân rộng.

Có thể nói, những kết quả đạt được đã khẳng định chủ trương của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu là đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế ở huyện Ninh Phước nói riêng, cả tỉnh nói chung. Tiếp tục đưa Nghị quyết 09-NQ/TU vào cuộc sống, huyện Ninh Phước đề ra 8 nhóm giải pháp. Trong đó, đề cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp; triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách của Nhà nước để khuyến khích, hỗ trợ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp.