Phước Thái vui đón Katê

Về xã Phước Thái (Ninh Phước) trong những ngày cuối tháng 9, chúng tôi cảm nhận được không khí chuẩn bị đón Lễ hội Katê năm 2019 của đồng Chăm theo đạo Bà la môn ở địa phương khá nhộn nhịp.

Phước Thái hiện có 2.728 hộ/12.961 nhân khẩu, sinh sống trên 8 địa bàn dân cư, trong đó, đồng bào dân tộc Chăm chiếm trên 62% dân số. Ông Lưu Văn Nhạc, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thái, cho biết: Những năm qua, nhân dân trong xã đều vui mừng vì được Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn. Mặt khác, nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, nên đời sống của người dân không ngừng được nâng lên, bộ mặt nông thôn mới ngày càng khởi sắc.

Một góc cơ sở hạ tầng xã nông thôn mới Phước Thái (Ninh Phước). Ảnh: T.Mạnh

Đón mừng Lễ hội Katê năm nay, toàn xã nói chung và các làng Chăm nói riêng tiếp tục có sự đổi mới với sự chuyển biến tích cực về phát triển kinh tế-xã hội. Toàn xã hiện có 3.109 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó, diện tích lúa trên 1.500 ha chủ động nước tưới từ hệ thống thủy lợi kênh chính Nam. Tuy đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng với sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhiều giải pháp thiết thực được triển khai thực hiện đã đưa đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Theo đó, xã tập trung vận động bà con áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thật vào sản xuất từ khâu sản xuất đến khâu thu hoạch đều được cơ giới hóa; các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực được quy hoạch, bố trí phù hợp với thế mạnh của từng vùng, nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chất lượng cao; triển khai nhiều mô hình sản xuất mới có giá trị kinh tế cao vào canh tác. Nhờ đó, nông dân đã thực hiện và ứng dụng hiệu quả mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, cho năng suất đạt bình quân trên 6,7 tạ/ha/vụ. Đặc biệt, mô hình cánh đồng lớn được thực hiện trong các vụ sản xuất lúa, với diện tích 220 ha, cho năng suất đạt trên 7 tạ/ha, góp phần tăng lợi nhuận khoảng 7 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình. Ngoài ra, địa phương còn triển khai mô hình trồng bưởi da xanh, đậu phộng với diện tích 4 ha, mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, để đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, bà con đã tập trung phát triển chăn nuôi các loại gia súc có sừng như: trâu bò, dê, cừu…theo hướng gia trại, trang trại, với số lượng trên 6.100 con. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,1%.

Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, đồng bào Chăm trên địa bàn xã luôn phát huy tốt mối đoàn kết nội bộ, hỗ trợ nhau trong cuộc sống và tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương. Đặc biệt, là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, bà con chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tích cực tham gia xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện tốt nếp sống văn minh, bài trừ hủ tục mê tín dị đoan, đơn giản hóa việc tang lễ, lễ hội; chung sức cùng chính quyền địa phương giữ gìn an ninh trật tự; bảo đảm đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, tình cảm gia đình, hàng xóm được thắt chặt, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới. Trong thực hiện nông thôn mới, bà con đã phát huy tốt vai trò chủ thể của mình, ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, nhân dân đã hiến 1.500 m2 đất, đóng góp trên 2 tỷ đồng thi công 3,5 km đường giao thông nội thôn, nội đồng. Ngoài ra, bà con còn đóng góp 120 triệu đồng thực hiện mô hình “Thắp sáng đường quê” với chiều dài hơn 2 km. Hệ thống trường học, trạm y tế, chợ nông thôn, công trình văn hóa được quan tâm đầu tư hoàn chỉnh. Đến nay, 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, trên 90% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh… Qua đó, tạo cơ sở cho xã Phước Thái duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Về xã Phước Thái những ngày này, đâu đâu cũng thấy người dân phấn khởi dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị lễ vật, sắm sửa đồ dùng để chuẩn bị đón Lễ hội Katê. Ông Quảng Đại Minh, người dân thôn Hoài Ni, chia sẻ: Lễ hội Katê diễn ra đúng thời điểm vừa mới thu hoạch xong vụ hè-thu, nên bà con rất vui mừng vì có điều kiện mua sắm vật dụng, trang hoàng nhà cửa để đón Lễ hội Katê thêm đầm ấm, sung túc hơn.

Ông Lưu Văn Nhạc, cho biết thêm: Để Lễ hội Katê diễn ra vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, xã đã triển khai kế hoạch cho Ban quản lý các thôn tuyên truyền, vận động bà con dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh đường làng ngõ xóm, tập luyện văn nghệ, bóng chuyền, bóng đá và các trò chơi dân gian. Đồng thời, thành lập các tổ an ninh thường xuyên tuần tra thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự để người dân yên tâm vui đón Lễ hội Katê năm 2019.