Chuyển biến từ thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Sau khi có Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18-3-2002, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo triển khai thực hiện, tạo bước chuyển biến tích cực. Khu vực kinh tế tập thể (KTTT) đã thực sự là thành phần kinh tế quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tháo gỡ khó khăn cho kinh tế tập thể phát triển

Khẳng định nhất quán quan điểm KTTT mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) là thành phần kinh tế có vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, những năm qua thực hiện Nghi quyết số 13, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động, Kế hoạch hỗ trợ KTTT, HTX, tập trung vào những vấn đề về thể chế, chính sách, nhất là đất đai, tài chính tín dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, khoa học và công nghệ. Hoạt động hỗ trợ tạo ra luồng gió mới, thúc đẩy KTTT, HTX phát triển. Nếu như trước đây, những hạn chế về năng lực của cán bộ HTX chưa đảm nhận được nhiệm vụ trong tình hình mới, thì sau khi được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cán bộ HTX năng động hơn trong xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Trong 15 năm qua, tỉnh đã tổ chức 66 lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn cho 2.590 lượt cán bộ quản lý HTX, với tổng kinh phí gần 2,76 tỷ đồng. Thông qua thực hiện chính sách đất đai, nhiều HTX đã xây dựng được nhà kho, sân phơi, cửa hàng kinh doanh, mở rộng trang trại chăn nuôi theo quy mô tập trung. Tính đến nay, có 26 HTX dịch vụ nông nghiệp được Nhà nước cho thuê và giao đất không thu tiền sử dụng đất với tổng diện tích gần 13,6 ha.

Hợp tác xã Kinh doanh và Dịch vụ nông nghiệp Phước Hậu (Ninh Phước) thực hiện mô hình
cánh đồng lớn sản xuất lúa mang lại hiệu quả cao. Ảnh: A.T

Một trong những hạn chế lớn nhất kiềm hãm HTX phát triển đó là thiếu vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, thì đến nay cũng đã tháo gỡ được phần nào. Từ nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư cho KTTT thông qua hoạt động của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay có 65 lượt HTX được vay tổng số tiền 26,2 tỷ đồng. Ngoài ra, thông qua nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh đã bố trí trên 17 tỷ đồng để hỗ trợ HTX đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất. Nhìn lại chặng đường 15 năm thực hiện Nghị quyết 13 có thể thấy, công tác hỗ trợ KTTT được triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, nhờ đó không ít HTX đã khắc phục được những tồn tại, yếu kém, đứng vững trong nền kinh tế thị trường có sự cạnh tranh gay gắt. Thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh chuyển giao cho các HTX và các tổ chức KTTT về công nghệ sinh học, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch, giống mới, máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, xây dựng thương hiệu Nho an toàn, kỹ năng tiếp thị, tạo điều kiện cho các HTX nâng cao năng lực và hội nhập thị trường ngày càng năng động hơn. Hiện nay, có 8 nhóm sản phẩm đặc thù của tỉnh được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tập thể, gồm: Táo Ninh Thuận, Tỏi Phan Rang, Thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Gốm Bàu Trúc, Rau an toàn Văn Hải. Măng khô Bác Ái, Heo đen và Gà Thuận Bắc; trong đó, có 6 nhóm sản phẩm của 6 đơn vị KTTT.

Xuất hiện những mô hình hợp tác xã kiểu mới

Qua 15 năm, lĩnh vực KTTT đã được quan tâm củng cố, chấn chỉnh về tổ chức, đổi mới và phát triển về quy mô, số lượng, chất lượng. Riêng HTX, tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 73 HTX đang hoạt động, tăng gấp 1,8 lần so với năm 2003. Tổng vốn hoạt động của các HTX 153,8 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần; doanh thu bình quân đạt gần 2 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần; lợi nhuận bình quân đạt 180 triệu đồng/HTX/năm, tăng gấp 6 lần so với năm 2003. Hoạt động của các HTX phục vụ tốt hơn nhu cầu sản xuất, kinh doanh của kinh tế hộ, giải quyết nhiều việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, người lao động. Những nơi HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đã làm nòng cốt trong xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt cộng đồng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Làng nghề truyền thống Gốm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) luôn thu hút du khách đến tham quan.Ảnh: Văn Nỷ

Những năm gần đây, KTTT, HTX có bước phát triển mạnh, chứng minh rõ vai trò ngày càng quan trọng và toàn diện về các mặt kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh. Từ những thay đổi về nhận thức, nhiều HTX chuyển sang hoạt động theo Luật HTX năm 2012, đã tìm được hướng đi mới, mở rộng thêm các ngành, nghề kinh doanh dịch vụ, đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị. Tiêu biểu như HTX Kinh doanh và Dịch vụ Nông nghiệp Phước Hậu (Ninh Phước) liên kết với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố thực hiện thành công mô hình thí điểm cánh đồng lớn sản xuất lúa quy mô 56 ha ở vụ hè-thu 2017, mở đầu cho phong trào sản xuất mới theo hướng chú trọng ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, mô hình cánh đồng lớn đã được nhân rộng trên 1.400 ha với các loại cây trồng như lúa, măng tây xanh, bắp, nho. Từ mô hình thí điểm san phẳng đồng rộng bằng tia laser quy mô 4,6 ha trong vụ đông - xuân 2018-2019 triển khai ở địa bàn huyện Ninh Phước với 2 HTX tham gia, đến vụ hè - thu 2019 nhân rộng lên 28,5 ha ở địa bàn các huyện Ninh Hải, Ninh Sơn, Thuận Nam, với 4 HTX tham gia. Theo đánh giá tổng kết mô hình của Sở Nông nghiệp và Phát triển thôn, đây là những điểm mới trong ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp của các HTX.

Những kết quả đạt được của các HTX cả về mặt kinh tế và xã hội đã khẳng định chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới và nâng cao hiệu quả KTTT là đúng đắn. Để đưa KTTT thực sự là thành phần kinh tế quan trọng, thời gian tới Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo hỗ trợ toàn diện nhằm tháo gỡ khó khăn cho HTX phát triển, phấn đấu đến năm 2025 khu vực KTTT chiếm 10-11% GRDP của tỉnh.