Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số Ninh Hải

Huyện Ninh Hải có tổng dân số 108.997 người, riêng dân tộc thiểu số (DTTS) có 9.280 người, trong đó có 8.831 người dân tộc Chăm và 627 người dân tộc Raglai; ngoài ra còn có một số ít người DTTS khác như Hoa, Thái, Dao… sống rải rác tại các xã. Trong 5 năm qua (2014-2019), dưới sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh và các chính sách đầu tư, bộ mặt nông thôn miền núi nói riêng, vùng đồng bào DTTS nói chung ở Ninh Hải đã ngày càng khởi sắc.

Theo sự phân bổ tự nhiên, người Chăm sống tập trung tại các thôn An Nhơn, Phước Nhơn 1, Phước Nhơn 2 và Phước Nhơn 3 thuộc xã Xuân Hải, còn người Raglai chủ yếu sinh sống tại 2 thôn đặc biệt khó khăn là Cầu Gãy và Đá Hang của xã Vĩnh Hải. Qua thực hiện các chính sách dân tộc, các chương trình, dự án của Nhà nước và sự nỗ lực của đồng bào, kinh tế - xã hội vùng DTTS từng bước phát triển, đời sống mọi người được cải thiện. Theo đó công tác xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào DTTS 2 xã Xuân Hải và Vĩnh Hải đã đạt kết quả khả quan, cụ thể từ 108 hộ nghèo (đầu năm 2014) giảm xuống còn 64 hộ (cuối năm 2018), tức giảm 40,75% tỷ lệ hộ nghèo, trong đó có 29 hộ ở vùng dân tộc Chăm và 35 hộ nghèo vùng dân tộc Raglai. Tại xã Xuân Hải, đồng bào Chăm tham gia ứng dụng các mô hình, phương pháp sản xuất mới trong nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng năng suất, góp phần xây dựng mô hình cánh đồng lớn 260,33 ha sản xuất lúa. Đồng bào dân tộc Raglai hai thôn Cầu Gãy và Đá Hang nhờ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo là 1,081 tỷ đồng cho 66 hộ, đã đầu tư chăn nuôi bò, dê sinh sản, qua đó giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập.

Đồng bào dân tộc Chăm thôn An Nhơn, xã Xuân Hải chuyển đổi trồng cây
măng tây xanh trên đất lúa để tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Đến vùng đồng bào DTTS và miền núi ở Ninh Hải hôm nay, dễ nhận ra hệ thống hạ tầng cơ sở đã được đầu tư, cơ bản đáp ứng cho yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân các thôn đặc biết khó khăn, có thể thấy các công trình giao thông, thủy lợi được xây dựng, nâng cấp tại vùng DTTS. Đơn cử xã Xuân Hải, đã bê tông 3 tuyến đường chính tại các thôn Phước Nhơn - An Nhơn; đầu tư hệ thống thoát lũ Suối Tối - Phước Nhơn dài 239m; đường giao thông An Xuân-Phước Nhơn-Quốc lộ 1A với chiều dài 5.431 m. Ở xã Vĩnh Hải, đã sửa chữa cầu treo thôn Cầu Gãy, xây dựng hệ thống kênh mương tự chảy 2 thôn Cầu Gãy, Đá Hang, bê-tông hóa đường nội đồng thôn Cầu Gãy. Tuyến y tế cơ sở được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, cả 2 xã có đồng bào DTTS trên đều được công nhận đạt chuẩn y tế quốc gia. Cơ sở trường lớp được đầu tư tương đối khang trang, trang thiết bị dạy và học được cung cấp đầy đủ về số lượng và chất lượng. Trụ sở thôn, nhà cộng đồng được đầu tư xây dựng đảm bảo phục vụ hội họp, hoạt động văn hóa của thôn DTTS.

Về văn hóa, xã hội, thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã tác động sâu sắc đến đời sống văn hóa của của đồng bào. Thông qua phong trào xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, đã đóng góp vốn, công xây dựng hàng chục km đường bê tông nông thôn, giúp nhau trong công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Đến nay, cả 6 thôn DTTS của huyện đều được công nhận thôn văn hóa cấp huyện, hằng năm có trên 85% số gia đình tại các thôn đạt danh hiệu “gia đình văn hóa”. Toàn vùng đồng bào DTTS và miền núi có 100% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia, 100% hộ gia đình được dùng nước sinh hoạt. Phong trào văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao được quan tâm thực hiện, các nhạc cụ (như: trống pa-ra-nưng, ghi-năng, mã la) và điệu múa dân gian của đồng bào Chăm và Raglai được gìn giữ và phát triển.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND huyện Ninh Hải, bên cạnh kết quả đạt được đã nêu, đời sống kinh tế ở vùng đồng bào DTTS vẫn còn khó khăn, nhân dân còn thiếu đất sản xuất và ngành nghề còn chậm phát triển. Số hộ nghèo tuy có giảm nhưng vẫn còn chiếm tỷ lệ cao; kết quả triển khai áp dụng các mô hình sản xuất thực hiện đề án giảm nghèo bền vững được quan tâm thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao…

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, huyện Ninh Hải đề ra phương hướng, nhiệm vụ cần tập trung trong giai đoạn tới (2019-2024). Theo đó, đề xuất mô hình làm ăn mới, tạo điều kiện tốt nhất cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững, đến năm 2024 phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc Chăm còn dưới 1%, dân tộc Raglai dưới 5%; thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS tăng lên gấp 3 lần so với năm 2019. Đặc biệt tăng cường đầu tư phát triển toàn diện về kinh tế-xã hội, thực hiện hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTS, phấn đấu 2 xã Xuân Hải, Vĩnh Hải (có đồng bào DTTS) đạt chuẩn và giữ vững các tiêu chí về NTM; đồng thời có kế hoạch, lộ trình đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.