Bắc Phong: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng nông thôn mới

Chúng tôi đến xã Bắc Phong (Thuận Bắc) vào đầu tháng 6, trùng lúc cấp ủy, chính quyền địa phương đang rà soát, đánh giá lại kết quả hơn 7 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 24-5-2011 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới (NTM) đến năm 2020. Là một trong hai xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM trước đây, Bắc Phong đang quyết tâm duy trì đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2017-2020.

Để thực hiện mục tiêu trên, theo đồng chí Trần Bá Hòa, Bí thư Đảng ủy xã Bắc Phong, cùng với tập trung nâng chất lượng các tiêu chí NTM, Bắc Phong chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay, dù được đánh giá có tiêu chí đạt cao nhất trong các xã của huyện Thuận Bắc, song thực ra Bắc Phong cũng chỉ đạt 16 tiêu chí theo chuẩn mới. Khi Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2017-2020 thay đổi theo hướng bổ sung thêm nội dung, nâng cao chất lượng các tiêu chí, toàn bộ các xã ở Thuận Bắc không đáp ứng yêu cầu nên đều bị tụt hạng. Đối với Bắc Phong, đó là sự tụt hạng của tiêu chí số 8 (về thông tin và truyền thông), tiêu chí số 18 (về hệ thống tổ chức chính trị và tiếp cận pháp luật) và tiêu chí số 19 (về quốc phòng-an ninh). Để hoàn thiện các tiêu chí này, Bắc Phong đang từng bước bổ sung hiệu quả. Cụ thể, về tiêu chí số 19, cuối năm nay sẽ kết nạp thêm đảng viên (ĐV), đạt yêu cầu có tỷ lệ 18% ĐV trong Dân quân xã là hoàn thành tiêu chí; về tiêu chí số 18, sau khi một số công chức học xong chuyên môn, năm 2020 sẽ hoàn thành 100% cán bộ, công chức xã đạt chuẩn. Riêng việc hoàn thiện tiêu chí số 8, đang được huyện đầu tư lắp đặt hệ thống loa phóng thanh đến các thôn.

Bắc Phong có tổng dân số gần 6.000 người sinh sống ở 3 thôn: Ba Tháp, Gò Sạn và Mỹ Nhơn; có diện tích tự nhiên 2.225,28 ha, trong đó có 1.260,1 ha đất sản xuất nông nghiệp. Để tạo bứt phá trong sản xuất nông nghiệp, Bắc Phong chủ trương chuyển dịch dần cơ cấu cây trồng, giúp nông dân nhanh chóng tiếp cận khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả kinh tế trong trồng trọt, chăn nuôi, trong đó chú ý ứng dụng giống cây trồng mới thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Theo ông Nguyễn Văn Thứ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bắc Phong, trong những năm qua, tại vùng Trạm bơm Mỹ Nhơn đã chuyển đổi diện tích 176 ha đất rẫy màu, đất trồng lúa bấp bênh sang trồng các cây: măng tây xanh, dừa, mãng cầu. Đáng chú ý là các mô hình sản xuất được áp dụng khoa học kỹ thuật đã mang lại hiệu quả cao như: Tưới nước tiết kiệm trên cây màu, cây ăn trái quy mô khoảng 11 ha; chuyên canh măng tây xanh khu Gò Thị (Mỹ Nhơn); trồng cây mãng cầu dai ở Mỹ Nhơn, Ba Tháp. Trong chăn nuôi, có mô hình chuyển từ nuôi bò cỏ sang bò pha lai theo hướng giảm số lượng, nhưng tăng chất lượng bầy đàn.

Đồng chí Trần Bá Hòa cho biết: Xác định mục tiêu cơ bản trong xây dựng NTM là phải nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho nhân dân nên Bắc Phong đã tập trung giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Nhờ phát triển sản xuất nông nghiệp, kết hợp với việc tổ chức các lớp đào tạo nghề, Bắc Phong đã đạt tiêu chí khó khăn nhất là tăng thu nhập, cụ thể đến nay thu nhập bình quân đầu người của xã là 33 triệu đồng/người/năm (đạt tiêu chí), góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều từ 8,2% xuống còn 4,2% trong năm nay (yêu cầu tiêu chí là dưới 5%). Cùng với sự chuyển biến về đời sống, bộ mặt nông thôn Bắc Phong cũng đang đổi mới nhanh chóng. Hưởng ứng tích cực phong trào xây dựng NTM, trong 7 năm nhân dân đã đóng góp khoảng 5,911 tỷ đồng, hiến hàng chục ngàn mét vuông đất, nhân công và hiện vật để thực hiện các công trình trên địa bàn. Ông Lâm Thế Định, người cao tuổi ở thôn Gò Sạn chia sẻ: Không chỉ hiến đất, người dân còn tham gia bàn bạc góp ý về thiết kế và chọn vật liệu xây dựng tương thích, rồi trực tiếp phân công nhau giám sát thi công, bảo đảm chất lượng các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi như ý muốn.

Từ một xã có kết cấu hạ tầng nghèo nàn, được Nhà nước đầu tư và huy động nguồn lực từ nhân dân, doanh nghiệp, Bắc Phong đã có nhiều công trình như trường học, trạm xá, chợ được xây dựng. Hiện nay trong toàn xã đã có 100% đường trục xã, liên xã (2 km) được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, 95% đường trục thôn xóm (24,5 km) được cứng hóa đạt chuẩn; 100% đường ngõ xóm không lầy lội vào mùa mưa và 92% (11,3 km) cứng hóa đạt chuẩn; 79,02% đường trục chính nội đồng (9,68 km) được cứng hóa đạt chuẩn, xe cơ giới đi lại thuận tiện. Hệ thống kênh mương thủy lợi với tổng chiều 24,65 km đã có 79% (19,5 km) bê tông, đảm bảo đáp ứng tốt cho hoạt động sản xuất và dân sinh.

Theo đồng chí Trần Bá Hòa, qua kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm mà Bắc Phong rút ra là sự phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Đặc biệt là phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và sự đồng thuận của nhân dân, phải ưu tiên các tiêu chí cần thiết, cấp bách để đầu tư trước; qua đó phát huy nguồn lực đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội.