Qua đánh giá của UBND huyện Thuận Nam, thời gian qua, nghề nuôi trồng thủy sản đóng góp đáng kể trong cơ cấu kinh tế của huyện, nguồn lợi từ biển mang lại thu nhập ổn định cho các hộ nuôi. Đạt kết quả trên, có sự nỗ lực của huyện trong việc thực hiện cơ cấu lại ngành Thủy sản theo hướng nâng cao giá trị thương mại, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh việc quan tâm, bố trí nguồn vốn để thực hiện quy hoạch vùng nuôi, trồng bền vững, các xã ven biển Phước Dinh, Phước Diêm, Cà Ná tập trung vận động người dân cải tạo, xử lý tốt hệ thống ao, đìa. Đồng thời, chú trọng hỗ trợ chuyển giao khoa học-kỹ thuật, áp dụng hình thức nuôi kết hợp nhiều đối tượng trên cùng một đơn vị diện tích, nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất.
Vùng nuôi tôm tại xã Phước Dinh (Thuận Nam). Ảnh: V.M
Một trong những sản phẩm chủ lực được huyện ưu tiên phát triển là tôm thẻ chăn trắng, chiếm khoảng 80% trong tổng số diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Khả năng nhân rộng mô hình nuôi cao, vì quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm phù hợp với mặt nước ven biển trên địa bàn, các hộ nuôi tôm ngày càng ý thức được vấn đề môi trường, thực hiện quy trình xử lý nước thải đúng quy định. Đặc biệt, xu hướng hình thành các tổ cộng đồng liên kết nuôi tôm đã tạo điều kiện cho nghề nuôi tôm phát triển bền vững. Theo thống kê, trên địa bàn huyện có 7 tổ liên kết nuôi tôm thẻ có hiệu quả, năng suất đạt từ 6-7 tạ/sào, cao hơn 1,2 tạ so với nuôi riêng lẻ.
Bên cạnh nuôi tôm thẻ, mô hình nuôi ốc hương thương phẩm cũng phát triển khá, phần lớn diện tích tập trung ở xã Phước Dinh, chủ yếu nuôi theo hình thức thâm canh kết hợp lót đáy bạt, sử dụng mái che, năng suất thu hoạch đạt trên 2 tấn/sào; đầu ra sản phẩm ổn định, đa số hộ nuôi đều có lãi. Từ chủ trương khuyến khích, vận động người dân mạnh dạn đưa nhiều đối tượng có giá trị kinh tế vào nuôi, trồng đã từng bước hình thành một số mô hình mới, cho thu nhập cao, như: nuôi cá trong ao nước mặn, cá lồng bè trên biển… Đơn cử như hộ anh Trần Ngọc Thương, ở thôn Lạc Nghiệp, xã Cà Ná, nhận thấy cây rong nho biển được thị trường ưa chuộng, anh đầu tư 10 triệu đồng mua giống về trồng thử nghiệm, bước đầu cho kết quả tốt, mô hình được người dân ở địa phương học tập và áp dụng đại trà.
Ngoài ra, hoạt động hiệu quả của 48 cơ sở sản xuất giống thủy sản đáp ứng tốt nhu cầu giống cho hộ nuôi, hầu hết quy trình sản xuất đều thực hiện bằng công nghệ vi sinh, với trên 2 tỷ con giống bán ra thị trường mỗi năm. Tổng diện tích thả nuôi hàng năm đối với tôm thẻ đạt hơn 225 ha, ốc hương 28 ha, rong sụn 33 ha… sản lượng thu hoạch đạt khoảng 3.200 tấn; giá cả mặt hàng thủy sản luôn ở mức cao và ổn định, tạo tâm lý phấn khởi cho hộ nuôi, giải quyết việc làm ổn định cho hàng trăm lao động trên địa bàn.
Thời gian tới, huyện Thuận Nam xác định tiếp tục khai thác lợi thế, tiềm năng mặt nước, đẩy mạnh nuôi, trồng thủy sản. Trong đó, hướng tới mục tiêu nuôi tôm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ tại các vùng nuôi, trồng thủy sản tập trung; mở rộng diện tích đối với đối tượng nuôi chủ lực, gắn áp dụng khoa học-kỹ thuật trên diện rộng.
Hồng Lâm