Hướng tới mục tiêu chuyển 2.000 ha đất lúa sản xuất kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng cạn

Trong điều kiện khí hậu khô hạn, đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng cạn là định hướng xuyên suốt, thường xuyên được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương thực hiện quyết liệt nhằm đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.

Từ khi Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11-11-2016 của Tỉnh ủy về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 ban hành, công tác chuyển đổi cây trồng cạn được tăng cường. Để tạo đột phá trong thực hiện chương trình, một số huyện có cách làm hay, sáng tạo; trong đó, xác định quy hoạch vùng sản xuất tập trung là nhiệm vụ hàng đầu để mở đường cho những hoạt động tiếp theo diễn ra thông suốt. Đến nay, các huyện cơ bản đã hoàn thành công tác rà soát, xác định các vùng chuyển đổi, thông báo rộng rãi cho bà con biết để chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp; khuyến cáo nông dân không sản lúa ở các khu vực trạm bơm Lợi Hải, Xóm Bằng, Cây Me, Cà Vuông, Đá Trắng, Mương Ly, với tổng diện tích 33,6 ha để chuyển sang canh tác các loại cây trồng cạn.

Nông dân huyện Ninh Phước chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng bắp lai cho thu nhập cao.

Nắm bắt được tâm lý do dự của nông dân không muốn thay đổi tập quán canh tác cây lúa nước vốn ăn sâu trong tiềm thức, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 65/2017/QĐ-UBND, ngày 15-8-2017 về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017-2020 đã kích thích nông dân trên toàn tỉnh tham tham gia thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng gắn với ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Theo đó, các hộ được hỗ trợ nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm nước, ưu tiên cho những vùng sản xuất tập trung cây trồng cạn; hỗ trợ chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây nho, cây táo, bưởi da xanh, phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương; hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác xã liên kết sản xuất, ưu tiên các hộ tham gia mô hình cánh đồng lớn, có cam kết thực hiện sản xuất, bán nông sản theo đúng hợp đồng đã ký và được cấp có thẩm quyền xác nhận; hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, ưu tiên vùng sản xuất tập trung rau an toàn, vùng cây ăn quả, vùng nuôi, trồng thủy sản thuộc quy hoạch, hoặc có dự án về áp dụng VietGAP được UBND tỉnh phê duyệt.

Nông dân Phước Nam (Thuận Nam) trồng cây đậu xanh ít sử dụng nước, đạt hiệu quả kinh tế. Ảnh: Văn Nỷ

Quyết định 65 như “luồng gió mới”, thúc đẩy phong trào thi đua lao động sản xuất, triển khai các mô hình mới, tạo sức lan tỏa râu rộng. Đến nay, nhiều khu vực trồng lúa kém hiệu quả trên địa bàn tỉnh đã chuyển sang các loại cây có giá trị kinh tế cao, như: măng tây xanh, nho, táo, bưởi da xanh. Hoạt động sản xuất ở những vùng chuyển đổi có sự liên kết với doanh nghiệp trong chuyển giao khoa học - kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chỉ tính riêng vụ đông-xuân 2018- 2019, các doanh nghiệp đã thu mua gần 8.000 tấn sản phẩm nông nghiệp các loại cho nông dân, với giá cao hơn ngoài thị trường ở thời điểm hiện tại. Cuộc “cách mạng” chuyển đổi cây trồng cạn đã làm thay đổi tư duy của nông dân, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô hàng hóa. Từ việc chú trọng tham gia vào hợp tác xã thực hiện mô hình cánh đồng lớn, những nông dân “chân lấm, tay bùn” khi xưa, giờ đây đã trở thành “công nhân” trên chính đồng đất của mình, được hưởng nhiều lợi ích từ cách thức sản xuất mới.

Nhìn lại hoạt động chuyển đổi cây trồng cạn tuy đạt được nhiều kết quả, nhưng vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi ngành chức năng, các địa phương phải nỗ lực nhiều hơn trong thời gian tới. Nghị quyết 09-NQ/TU đề ra mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh chuyển 2.000 ha đất lúa sang cây trồng cạn, nhưng đến nay mới thực hiện được hơn 1.100 ha. Áp lực chạy đua với thời gian đang đè nặng lên vai những người đứng đầu ngành chức năng, các địa phương. Đề cập đến vấn đề này, đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho hay: Năm 2019 là năm rất quan trọng, năm tăng tốc, tạo bứt phá để góp phần hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 09-NQ/TU. Cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đang vào cuộc thực hiện chương trình với quyết tâm cao. Trước mắt, tập trung xây dựng kế hoạch bổ sung diện tích chuyển đổi trong vụ hè - thu và vụ mùa 2019 phù hợp với định hướng, quy hoạch sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường, với tổng diện tích chuyển đổi trên đất lúa gần 650 ha. Để công tác chuyển đổi đảm bảo tính bền vững, Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương khẩn trương tập trung hoàn thiện, phê duyệt và tổ chức triển khai Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các vùng sản xuất có hồ chứa dung tích nhỏ, năng lực tưới không đáp ứng nhu cầu và các trạm bơm động lực chuyển sang bố trí cây trồng dài ngày.