Thuận Nam: Hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân

Trong những năm qua, huyện Thuận Nam luôn tập trung nguồn lực và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi trên địa bàn phát triển sản xuất. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS, củng cố niềm tin của bà con với Đảng và Nhà nước.

Toàn huyện hiện có trên 4.325 hộ/20.144 nhân khẩu là đồng bào DTTS, tập trung ở 3 xã: Phước Nam, Phước Ninh và xã miền núi Phước Hà. Điểm chung của các xã đều có thế mạnh về nông nghiệp, điều kiện đất đai rộng lớn phù hợp cho phát triển trồng trọt và chăn nuôi. Xác định được tầm quan trọng đó, huyện đã triển khai nhiều chương trình hành động thiết thực, đưa đời sống người dân vùng đồng bào DTTS ngày càng nâng cao. Đặc biệt, thực hiện lộ trình Đề án Chính sách hỗ trợ đặc thù phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh, giai đoạn 2017-2020, ngoài việc kịp thời phân bổ vốn đến các đối tượng thụ hưởng, huyện tập trung chỉ đạo các xã chủ động rà soát, đánh giá thế mạnh từng khu vực, lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ, kết hợp bố trí những cây, con phù hợp để đầu tư phát triển.

Nhờ tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội nên nhiều hộ DTTS
ở Phước Nam (Thuận Nam) đầu tư chăn nuôi bò góp phần phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Văn Nỷ

Theo đó, từ năm 2017 đến nay, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện hỗ trợ 1,3 tỷ đồng cho 67 hộ dân ở xã Phước Ninh, Phước Hà thực hiện mô hình chăn nuôi bò vỗ béo; cấp 6,1 ha đất canh tác cho 41 hộ dân thiếu đất sản xuất; hỗ trợ chuyển đổi nghề theo Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ cho 184 hộ, với kinh phí 920 triệu đồng; Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững hỗ trợ 496 triệu đồng cho 10 hộ ở Phước Hà nhận khoán bảo vệ rừng kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 164 hộ, số tiền 246 triệu đồng ở 3 xã Phước Nam; Phước Ninh và Phước Hà. Mỗi năm có hàng trăm hộ DTTS được tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển kinh tế gia đình.

Tác động rõ nét từ các chính sách đặc thù của Nhà nước trong thời gian qua đã tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp ở vùng DTTS tại địa phương. Đến vùng đồng bào Raglai Phước Hà trong những ngày này, chúng tôi cảm nhận tinh thần hăng say lao động, phấn khởi của bà con nơi đây. Nhờ Nhà nước đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng thủy lợi, người dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất có hiệu quả, những diện tích lúa chủ động nước tưới được duy trì ổn định từ 2-3 vụ/năm; cây bắp lai, đậu xanh, cây ăn quả được phân bổ rộng khắp trên các vùng đất gò đồi, mang lại hiệu quả nhất định và được nhân rộng ra nhiều thôn trên diện tích 150 ha. Tại xã Phước Nam, Phước Ninh thông qua nguồn vốn hỗ trợ cùng với tập huấn kiến thức khoa học-kỹ thuật, nhiều nông dân tiếp cận các phương thức sản xuất mới, xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi thích ứng với biến đổi hậu, giảm đáng kể chi phí đầu tư, nâng cao giá trị đơn vị diện tích.

Từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã tạo chuyển biến tích cực trong
sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Thuận Nam.

Điển hình như hộ anh Phú Dựng ở thôn Hiếu Thiện, xã Phước Ninh được hỗ trợ 10 kg bắp giống từ nguồn giống dự trữ quốc gia, trong vụ đông-xuân 2018-2019, gia đình anh đã chuyển 4 sào lúa thiếu nước sang trồng bắp cho thu nhập khá. Đáng chú ý hơn, xu hướng phát triển nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp trong vùng DTTS ngày càng được coi trọng. Tiêu biểu trong hoạt động này phải kể đến việc các nông hộ ở xã Phước Nam liên kết với Công ty Giống cây trồng Nha Hố sản xuất 12 ha đậu xanh cao sản ĐX-208 và được công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch. Đồng chí Bá Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã Phước Nam, nhìn nhận: Các chính sách dân tộc được triển khai kịp thời, giúp hộ DTTS trên địa bàn cải thiện đáng kể đời sống. Hằng năm, các hộ khó khăn đều nhận ưu đãi từ nhiều nguồn hỗ trợ. Chỉ tính riêng trong năm 2018, từ dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, Hội Nông dân tỉnh giải ngân 560 triệu đồng cho 13 hộ thôn Phước Lập vay thực hiện mô hình nuôi bò vỗ béo; Đề án nhân rộng mô hình sản xuất theo Quyết định 11/2015/QĐ-UBND ngày 2-2-2015 của UBND tỉnh hỗ trợ 89 triệu đồng để người dân thực hiện mô hình tưới nước tiết kiệm và trồng táo VietGAP.

Nhờ thực hiện tốt các chủ trương, chính sách và phát huy tốt nguồn lực hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, đời sống người dân vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện có bước chuyển biến đáng kể; đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm còn 608 hộ; số hộ khá, giàu ngày càng tăng.

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, theo đồng chí Nguyễn Thị Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam, huyện tiếp tục quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS trên địa bàn; nâng cao vai trò của các phòng, ban chuyên môn trong việc đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, định hướng phát triển kinh tế theo hướng sản xuất xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ; phấn đấu đạt mục tiêu giảm nghèo vùng DTTS từ 2-4% mỗi năm, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 25 triệu đồng/người/năm.