Nhân rộng các mô hình sinh kế bền vững gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(NTO) Ngày 7-5, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá việc triển khai nhân rộng các mô hình sinh kế bền vững gắn với quản lý, bảo vệ, phát triển rừng khu vực miền núi và thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9-9-2015 của Chính Phủ. Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp tích cực triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với triển khai nhiều mô hình sinh kế bền vững. Qua đó, đạt được những kết quả nhất định, góp phần nâng cao thu nhập, mức sống của người dân miền núi, tạo việc làm, đưa vào nhiều mô hình sản xuất để xóa đói, giảm nghèo và từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Triển khai các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, các đơn vị chủ rừng đã tổ chức tuyên truyền, vận động cộng đồng, các hộ gia đình, cá nhân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Từ năm 2016 đến nay, đã thực hiện giao khoán rừng cho 97 cộng đồng, với 3.181 hộ, tổng kinh phí chi trả hơn 41,4 tỷ đồng. Trong đó, có 59 cộng đồng, với 1.453 hộ đã trích số tiền công nhận khoán hơn 9 tỷ đồng để mua gia súc, cây ăn quả, hệ thống nước tưới để phát triển chăn nuôi và canh tác nông nghiệp. Nhằm hỗ trợ các hộ tham gia nhận khoán bảo vệ rừng được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển chăn nuôi theo quy định tại Nghị định 75 của Chính phủ, năm 2017 Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho 100 hộ vay hơn 4,8 tỷ đồng, theo kế hoạch năm 2019 tiếp tục cho vay 5 tỷ đồng.

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Thời gian tới, ngành chức năng, các địa phương tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, hướng đến 100% hộ có nhận khoán rừng tham gia triển khai các mô hình phát triển sinh kế bền vững. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiệu quả, tính thích ứng của các mô hình để nhân rộng; hướng dẫn kỹ thuật hiện đại trong hoạt động trồng trọt và chăn nuôi. Tổ chức thực hiện việc giao khoán, trồng rừng đúng quy định, đảm bảo cho cộng đồng, hộ gia đình tham gia nhận khoán các công trình lâm sinh được hưởng đầy đủ các chính sách theo quy định của pháp luật hiện hành, nhất là tiếp cận vốn vay ưu đãi theo Nghị định 75 của Chính phủ. Tổ chức học tập kinh nghiệm các mô hình hiệu quả về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các tỉnh bạn để áp dụng phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Qua gần 2 năm triển khai Nghị định 75, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương thực hiện bước đầu đạt được kết quả tích cực. Tuy vậy, vẫn còn những khó khăn chưa được tháo gỡ, như: nguồn kinh phí phân bổ để triển khai các mô hình, dự án chậm; việc áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi còn hạn chế. Đề nghị thời gian tới ngành chức năng, các địa phương tiếp tục triển khai những nội dung của Nghị định 75 với tinh thần hết sức nghiêm túc; tổ chức rà soát, đánh giá hiệu quả các mô hình để lựa chọn ưu tiên hỗ trợ nhân rộng. Sở NN&PTNT tham mưu lồng ghép các nguồn vốn triển khai nhân rộng các mô hình sinh kế bền vững gắn với quản lý bảo vệ, phát triển rừng; các địa phương, đơn vị chủ rừng quan tâm thành lập các HTX chuyên về trồng cây ăn quả đặc sản theo hướng liên kết bao tiêu sản phẩm.