Kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ: Tạo sức bật cho 62 huyện nghèo

Sau hai năm thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, trên cả nước, các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, các Tổng Công ty đã tích cực hỗ trợ cho 62 huyện nghèo nhất cả nước, tạo sức bật để các địa phương thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo nhanh và bền vững.

Gia đình anh Nguyễn Văn Dương, thôn Bản Trưởng, xã Hữu Vinh là một trong những hộ nghèo của huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang được hưởng lợi từ Nghị quyết 30a của Chính phủ. Anh Dương cho biết: Với số tiền 39 triệu đồng hỗ trợ của Nhà nước, sự giúp đỡ ngày công lao động của bà con trong thôn, gia đình anh đã xây được ngôi nhà mới khang trang, ấm cúng, có điều kiện cơ bản để ổn định cuộc sống.

 

Hỗ trợ đồng bào sử dụng điện thoại di động là một trong những hoạt động
của Viettel đối với các huyện nghèo miền núi.

Gia đình anh Dương là một trong số gần 3.800 hộ nghèo được xoá nhà tạm ở tỉnh Hà Giang (tạm tính từ nguồn tài trợ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương và Tổng công ty xăng dầu Việt Nam) trong hai năm 2009-2010. Tỉnh Hà Giang là một trong những địa phương nghèo nhất nước, với 6 huyện nằm trong diện 62 huyện nghèo nhất nước. Trong 2 năm qua, các huyện nghèo của tỉnh Hà Giang đã nhận được sự hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng từ các tập đoàn, các Tổng công ty, các doanh nghiệp để xóa nhà tạm, đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo nguồn vốn lao động sản xuất. Ông Đỗ Viết Hợp - Chủ tịch UBND huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang nhận xét: Khi Nghị quyết 30a của Chính phủ được thực hiện đã tiếp thêm sức mạnh và như một luồng sinh khí mới, tạo điều kiện cho người dân xóa đói giảm nghèo bền vững hơn, nhanh hơn. Trong thực tiễn triển khai tại Yên Minh, chương trình này rất phù hợp và đi vào lòng dân, được người dân tiếp cận rất tốt.

Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam được đánh giá là một trong những đơn vị điển hình trong thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ. Với trên 700 tỷ đồng mà Vietinbank dành cho chương trình trong 2 năm qua, đã có gần 10.500 ngôi nhà được đầu tư xây dựng cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, VietinBank còn hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng cho các địa phương xây dựng các công trình hạ tầng, các công trình phúc lợi xã hội. Ông Phạm Huy Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank khẳng định: Sau khi Thủ tướng Chính phủ giao cho ngân hàng nhận tài trợ huyện nghèo tại tỉnh Hà Giang, VietinBank đã tích cực triển khai các nội dung hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững tại đây. Tất cả những hạng mục hỗ trợ đầu tư tại các huyện đều được VietinBank bàn bạc kỹ với chính quyền địa phương và trên cơ sở nhu cầu thực tế của các hộ nghèo. ViettinBank cam kết sẽ tiếp tục đầu tư và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 30a của Chính phủ trong năm 2011 và các năm tiếp theo.

Bên cạnh VietinBank, hàng chục tập đoàn, các đơn vị kinh tế lớn trong nước đã tham gia tài trợ cho các huyện nghèo với nhiều hoạt động cụ thể. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các đơn vị này gửi về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, có thể nêu một số dẫn chứng: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam hỗ trợ hai huyện nghèo Mường Tè, Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu trên 55,8 tỷ đồng, dự kiến trong năm 2011 tiếp tục hỗ trợ trên 43 tỷ đồng; Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam cam kết hỗ trợ 188 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2009-2010 hỗ trợ 32 tỷ đồng/huyện cho các huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La), Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa), Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An), An Lão (tỉnh Bình Định), giai đoạn 2010-2011 tiếp tục hỗ trợ với mức 30 tỷ đồng/huyện cho các huyện Điện Biên Đông (Điện Biên), Vũ Quang (Hà Tĩnh); Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel hỗ trợ 3 huyện: Bá Thước, Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa), ĐăkRông (tỉnh Quảng Trị) với số tiền trên 43,6 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN đã giải ngân số tiền 19,28 tỷ đồng cho 3 huyện nghèo Tân Uyên, Than Uyên và Phong Thổ của tỉnh Lai Châu; Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã hỗ trợ huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) 38 tỷ đồng/60 tỷ đồng cam kết; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam hỗ trợ trên 32 tỷ đồng cho huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ), trong năm 2011 dự kiến hỗ trợ tiếp 16 tỷ đồng cho các hợp phần của Nghị quyết 30a; Tổng Công ty Hàng không Việt Nam dự kiến hỗ trợ trong năm 2011 cho hai huyện Mường Nhé ( tỉnh Điện Biên) và Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) 10 tỷ đồng…

Phần lớn số tiền tài trợ của các tập đoàn, các Tổng Công ty, các doanh nghiệp đã được sử dụng vào mục đích xóa nhà tạm cho hộ nghèo với định mức hỗ trợ trung bình 7 triệu đồng/hộ; đào tạo nghề cho lao động thanh niên, xây dựng cơ sở trường lớp học, mua sắm trang thiết bị y tế cho các trạm y tế xã, cung cấp học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó, kéo điện sinh hoạt… tạo nền tảng để các hộ nghèo, xã nghèo, huyện nghèo có sức bật vươn lên. Đặc biệt, ưu tiên xây dựng mạng lưới trường học, trường dạy nghề, trường mầm non; củng cố bệnh viện tuyến huyện để vừa chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân một cách kịp thời, vừa giảm tải cho bệnh viện tuyến trên và thực hiện công tác kế hoạch hóa gia đình ở địa phương. Xây dựng được đội ngũ cán bộ cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là cán bộ y tế, văn hóa, nông – lâm nghiệp, đất đai, hạ tầng….

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, quá trình thực hiện Nghị quyết 30a đã huy động được cả hệ thống chính trị tham gia với ý thức và tinh thần trách nhiệm cao. Thông qua triển khai thực hiện Nghị quyết, từ các Bộ, ngành Trung ương đến các cấp chính quyền địa phương đã nhận thức rõ hơn về hệ thống các chính sách giảm nghèo hiện hành. Qua đó, cân đối lại nguồn lực đầu tư của Nhà nước và các chương trình, dự án, chính sách trên địa bàn các huyện nghèo để tổ chức lồng ghép, phối hợp hiệu quả hơn. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết: Chính phủ đã cho đánh giá lại tất cả các chương trình giảm nghèo, trên cơ sở đó sẽ tìm ra những hạn chế cũng như rút ra được những bài học, nhất là trong vấn đề chỉ đạo, điều hành lồng ghép giữa chương trình giảm nghèo với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội khác nhằm xây dựng một chương trình giảm nghèo tổng thể. Có thể nói, điều này rất phù hợp với nguyện vọng của các địa phương và của người dân. Vì chỉ một chương trình giảm nghèo thôi nhưng tất cả những nội dung hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo sẽ được thể hiện rất cụ thể, giúp cho cấp cơ sở khi tổ chức thực hiện được rõ ràng, dễ hiểu và đặc biệt là dễ đánh giá, dễ tổng kết. Bộ trưởng nhấn mạnh: Trong cuộc chiến chống lại đói nghèo ở 62 huyện nghèo, bên cạnh nguồn lực đầu tư từ Ngân sách Nhà nước, rất cần các doanh nghiệp, trong đó có các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty tiếp tục thể hiện trách nhiệm xã hội trước Chính phủ và cộng đồng.

Nguồn Báo Điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam