Nông dân bị thiệt hại do sản xuất ngoài kế hoạch

(NTO) Thời điểm hiện nay, nông dân trên toàn tỉnh đang tập trung thu hoạch cây trồng vụ động-xuân 2018 - 2019. Trong niềm vui được mùa chung, cũng có những hộ phải chịu nhiều thiệt hại do không thực hiện theo khuyến cáo của ngành chức năng, tự phát sản xuất ở những vùng nằm ngoài kế hoạch.

Niên vụ 2017- 2018, giá thu mua mía giảm từ 850 nghìn đồng/tấn xuống còn 750-800 nghìn đồng/tấn, nên bước sang niên vụ 2018- 2019 nhiều nông dân ở vùng nguyên liệu mía huyện Ninh Sơn chuyển qua trồng mì. Lý giải của anh Nguyễn Văn Thuận (xã Hòa Sơn) về tự phát chuyển đổi cây trồng là do cây mì được giá hơn so với trồng mía, có thể canh tác ở vùng đất thiếu nước. Việc phát triển diện tích cây mì ngoài quy hoạch dẫn đến thực trạng nông dân không chuẩn bị sẵn nguồn giống chất lượng tốt, mà phải sử dụng giống trôi nổi ngoài thị trường là nguyên nhân để bệnh khảm lá bùng phát như hiện nay.

Nông dân Ninh Sơn chăm sóc cây khoai mì.

Đồng chí Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: Niên vụ này nông dân trên toàn tỉnh sản xuất 4.300 ha mì, tăng gần 1.000 ha so với niên vụ 2017-2018. Những năm trước, các hộ sử dụng giống thuần chủng, như: KM94, KM 228, KM95, có khả năng kháng bệnh và cho năng suất cao, nhưng vụ này do bà con mở rộng diện tích dẫn đến thiếu giống, phải mua các loại giống chưa qua xác nhận về trồng được 1 tháng thì bị nhiễm bệnh. Theo thống kê của huyện Ninh Sơn, trên địa bàn có gần 450 ha mì bị bệnh khảm lá, bộ củ phát triển chậm làm giảm năng suất và chất lượng, các hộ trồng thiệt hại lớn.

Tỉnh ta có điều kiện khí hậu nắng nóng, để sản xuất hiệu quả, ngay từ đầu vụ các địa phương phối hợp với ngành chức năng tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch sản xuất, xác định khu vực chuyển đổi cây trồng phù hợp. Tuy nhiên, ý thức không chấp hành khung lịch thời vụ, kế hoạch sản xuất của một bộ phận nông dân chưa cao là cản trở lớn trong thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Không riêng gì những hộ trồng mì, nông dân huyện Bác Ái tự ý sản xuất lúa ở những vùng thiếu nước, với thời tiết nắng nóng như hiện nay, cây trồng đang dần chết khô. Theo kế hoạch, vụ đông-xuân 2018- 2019 khu vực thôn Đồng Dày, xã Phước Trung chỉ được trồng cây màu ngắn ngày để tiết kiệm nước, nhưng cuối năm 2018 có mưa bà còn đã “phá rào” không tuân thủ khuyến cáo, xuống giống hơn 53 ha lúa, đến nay có khoảng 10 ha hư hoại hoàn toàn.

Chuyện nhà nông bị thiệt hại do sản xuất ngoài kế hoạch không phải hiện nay mới có, mà trước đó tình cảnh tương tự cũng đã xảy ra. Vụ đông- xuân 2015-2016, trước tình hình nắng hạn, huyện Ninh Phước khuyến cáo nông dân sản xuất các loại cây trồng cạn ở những nơi có nguy cơ bị hạn, nhưng tại khu vực hưởng lợi hồ Tà Ranh, nông dân vẫn trồng 67 ha lúa. Khi lúa ở giai đoạn trổ bông thì nước trong hồ cạn kiệt, ngành chức năng phải gấp rút điều tiết nước từ hồ Đá Trắng về tiếp ứng rất gian nan. Nỗ lực giúp dân sản xuất là đáng ghi nhận, nhưng để tránh những thiệt hại do thiên tai gây ra, không gì hơn là các hộ phải chấp hành chủ trương chuyển đổi cây trồng ở những vùng thiếu nước đã được xác định.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, với tình hình nắng nóng như hiện nay, nguy cơ hạn hán ở vụ hè - thu rất dễ xảy ra. Để bảo đảm chủ động phòng, chống hạn, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo các địa phương chú trọng công tác vận động người dân nâng cao ý thức tiết kiệm tài nguyên nước. Sử dụng các vùng trũng, thấp để tích trữ nước, tổ chức nạo vét, đào ao, khoan giếng, ưu tiên dành nước tưới ở giai đoạn cần thiết cho sự sinh trưởng của cây trồng. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây có nhu cầu nước thấp; kiểm soát chặt chẽ việc canh tác ngoài kế hoạch, nhất là ở vùng không chủ động nguồn nước.