Bác Ái chú trọng chuyển giao khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

(NTO) Thời gian qua, huyện Bác Ái chú trọng hỗ trợ nông dân triển khai các mô hình chuyển giao khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất nông nghiệp, tạo sự đột phá trong tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Là huyện miền núi có tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, ngoài diện tích đất sản xuất rộng lớn (14.350 ha), huyện Bác Ái còn được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh, đầu tư một số công trình thủy lợi đáp ứng yêu cầu sản xuất trong điều kiện nắng hạn. Hiện nay, trên địa bàn có 4 hồ chứa ( Sông Sắt, Trà Co, Phước Trung, Phước Nhơn), tổng dung tích 82,56 triệu m3, cùng với Trạm bơm Phước Hòa và một số đập có khả năng cung cấp nước cho hàng ngàn ha cây trồng. Bước nhảy vọt sau khi được đầu tư hệ thống hồ chứa nước là diện tích gieo trồng hằng năm tăng từ 7.600 ha lên 11.000 ha, diện tích chủ động nước tăng từ 500 ha lên 3.700 ha; trong đó, diện tích lúa nước tăng mạnh, ổn định 2.000 ha.

Cán bộ Khuyến nông hướng dẫn nông dân Bác Ái kỹ thuật chăm sóc
bưởi da xanh ở vùng chuyển đổi cây trồng.

Thực hiện các chính sách hỗ trợ từ Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, đặc biệt là Chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gần đây sản xuất nông nghiệp trên địa bàn có chuyển biến tích cực, hình thành các vùng trồng bắp luân canh với cây đậu xanh quy mô tập trung ở xã Phước Bình, Phước Trung, Phước Tiến, Phước Hòa. Từ năm 2018 đến nay, huyện đã chuyển đổi được 416 ha cây trồng cạn, vượt 2% chỉ tiêu tỉnh giao. Quá trình thực hiện chuyển đổi, huyện chú trọng vận động bà con đưa vào canh tác các loại cây trồng thích nghi với thổ nhưỡng ở miền núi. Tiêu biểu như cây bưởi da xanh trồng nhiều ở xã Phước Bình tạo được thương hiệu mạnh, giá bán cao, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Xuất phát từ thực tế khó khăn về mức sống, trình độ dân trí của bà con trên địa bàn thấp, nên để thực hiện có hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện linh động lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, triển khai, nhân rộng những mô hình chuyển giao KH&CN để năng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cụ thể, từ nguồn vốn Chương trình 135, năm 2018 huyện hỗ trợ nông dân thực hiện 19 mô hình chăn nuôi và trồng trọt, tổng kinh phí gần 4,4 tỷ đồng, với 329 hộ/9 xã hưởng lợi; nguồn vốn Chương trình 30a hỗ 43 mô hình, tổng kinh phí hơn 8,7 tỷ đồng, với 941 hộ/9 xã hưởng lợi; nguồn vốn Chương trình Xây dưng nông thôn mới hỗ trợ 10 hộ dân ở xã Phước Trung, Phước Chính, Phước Tiến, Phước Tân 150 triệu đồng thực hiện mô hình nuôi bò thịt; hỗ trợ hơn 14 triệu đồng cho nông dân ở xã Phước Đại, Phước Thắng chuyển 5,5 ha đất lúa kém hiệu quả san cây trồng cạn; hỗ trộ 298 triệu đồng nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm nước, với diện tích 14,5 ha.

Kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở huyện Bác Ái là đáng ghi nhận, nhưng cũng phải nhìn nhận những hạn chế cần sớm khắc phục để tiếp tục làm tốt hơn vào thời gian tới. Trong đó, hạn chế nhất là một bộ phận người dân còn thụ động, thiếu năng lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, tiếp thu kiến thức KH&CN chậm; quy hoạch sản xuất nông nghiệp chưa phù hợp, thiếu tầm nhìn dài hơi, định hướng chiến lược. Trong khi đó, sự phối hợp giữa chính quyền với các đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ thiếu đồng bộ, dẫn đến tình trạng chuyển đổi chủ yếu theo công thức vụ, chưa chuyển mạnh sang trồng cây dài ngày.

Đồng chí Mẫu Thái Phương, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Để thực hiện đạt mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thời gian tới, huyện tập trung đầu tư, ổn định các vùng sản xuất chủ động nước ứng dụng công nghệ cao; chuyển dần canh tác cây ngắn ngày tại các vùng có địa hình dốc sang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp. Hỗ trợ nông dân trồng khảo nghiệm các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao; khuyến khích nghiên cứu, chọn lọc, phục tráng các loại giống bản địa như bắp, đậu các loại. Xây dưng vùng nguyên liệu nông sản bền vững, sản xuất theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao cho nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, thâm canh các loại cây trồng chủ lực; nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả, xác định công thức luân canh, xen canh hợp lý. Đối với chăn nuôi, tổ chức cơ cấu lại đàn, thường xuyên hoán đổi giống tránh tình trạng lai cận huyết; nhân rộng mô hình chăn nuôi dưới tán rừng; hướng dẫn các hộ trồng cỏ, sử dụng thức ăn công nghiệp, thức ăn tinh tự phối trộn để nuôi gia súc, gia cầm.

Với việc chú trọng công tác chuyển giao KH&CN vào sản xuất, tin tưởng ngành Nông nghiệp huyện Bác Ái sẽ đạt được nhiều kết quả trong thời gian tới.