Liên kết để cùng phát triển

(NTO) Thời gian qua, ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia vào hợp tác xã (HTX), mở rộng liên kết sản xuất, tạo chuyển biến tích cực.

Toàn tỉnh hiện có 73 HTX đang hoạt động; trong đó, 54 HTX nông nghiệp làm tốt vai trò cầu nối liên kết các hộ để giúp đỡ, hỗ trợ nhau về kinh nghiệm sản xuất, nguồn vốn và và tìm đầu ra ổn định thông qua ký kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Hoạt động kinh tế HTX đã hình thành các chuỗi sản phẩm đa dạng, phong phú, như chuỗi nho, táo, măng tây xanh. Thực hiện Quyết định số 65/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh về Ban hành Đề án chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, các địa phương đã hỗ trợ HTX triển khai các mô hình cánh đồng lớn, mô hình sản xuất theo theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình tưới tiết kiệm nước, tạo đột phá trong giảm chí phí sản xuất, tăng thu nhập. Sản phẩm của các HTX làm ra được ngành chức năng hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, góp phần vào nâng cao năng lực cạnh tranh mặt hàng nông sản trên thị trường. Chỉ tính riêng năm 2018, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam thu mua 280 tấn bắp giống, Công ty TNHH Măng tây xanh Linh Đan bao tiêu hơn 243 tấn măng tây xanh cho nông dân. Để tạo dựng mối liên kết bền vững, HTX tổ chức vận động thành viên mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, canh tác đúng theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng; đồng thời, liên hệ với doanh nghiệp cung cấp giống, phân bón, chuyển giao khoa học - kỹ thuật.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Tầm Ngân được xây dựng cơ sở
chế biến góp phần tạo đầu ra ổn định cho cây ớt.

Từ việc tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX, đến nay bước đầu đạt được kết quả tích cực. Cụ thể, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tầm Ngân, xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) chuyên trồng ớt với tổng diện tích 15 ha theo quy trình khép kín từ khâu canh tác, thu hoạch, đến tiêu thụ sản phẩm. Được sự hỗ trợ của Tập đoàn CJ Hàn Quốc, HTX đã xây dựng cơ sở chế biến ớt, với công suất 50 tấn ớt khô/năm, góp phần tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Cùng với đó, HTX nho Evergreen Ninh Thuận cũng đã nâng tầm giá trị sản phẩm từ sự liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. HTX được Chính phủ Canada tài trợ và tổ chức SOCODEVI thực hiện, chuyên sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nho, áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, HTX có điều kiện đầu tư thiết bị máy ép nho, cán nho, sấy nho và xây dựng kho lạnh để bảo quản sản phẩm, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy Chứng nhận Nhãn hiệu tập thể.

Xác định vai trò quan trọng của HTX nông nghiệp trong xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn toàn diện cho kinh tế HTX hoạt động đảm bảo đúng theo luật định. Trong đó, đáng kể là hỗ trợ về tín dụng, đi sâu vào hướng dẫn hoàn tất các thủ tục vay vốn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Nổi bật là huyện Ninh Phước đã thành lập Tổ thẩm định phương án sản xuất, kinh doanh của các HTX để hoàn thiện hồ sơ pháp lý vay vốn theo quy định. Tính đến đầu năm 2019, có 9 HTX được vay vốn, với tổng số tiền hơn 2,5 tỷ đồng. Riêng HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước An, xã Phước Vinh (Ninh Phước) nhờ xây dựng được “chỉ số niềm tin”, nên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Ninh Phước ký hợp đồng cam kết cho vay đầu tư sản xuất bắp giống theo mùa vụ, với số tiền 900 triệu đồng/vụ. Nhờ có sự vào cuộc hỗ trợ của ngành chức năng, các địa phương, đến nay trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 9 mô hình HTX điển hình kiểu mới trong liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị; trong đó, Ninh Phước 3 HTX, Ninh Hải 1 HTX, Thuận Bắc 1 HTX, Bác Á: 1 HTX, Ninh Sơn 2 HTX, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm 1 HTX.

Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Thời gian qua, một số HTX nông nghiệp bước đầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong trồng và chế biến các sản phẩm đặc thù của tỉnh. Những mô hình tưới tiết kiệm nước, cánh đồng lớn được mở rộng, hình thành mối lên kết sản xuất theo quy trình khép kín, chuyển nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp hiện đại. Bám sát định hướng cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, thời gian tới, ngành chức năng, các địa phương tiếp tục tăng cường công tác hỗ trợ HTX hoạt động có hiệu quả; trong đó, chú trọng hỗ trợ triển khai các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.