Bước đầu thực hiện Đề án Vùng nho tập trung Phước Thuận

(NTO) Phước Thuận là xã đồng bằng của huyện Ninh Phước, trải dọc theo hữu ngạn sông Dinh, có tổng diện tích tự nhiên 1.242,46 ha, trong đó đất nông nghiệp trên 930 ha. Từ lâu, nho là cây trồng chủ lực, có thế mạnh của địa phương nên để phát huy lợi thế này, năm 2018, Phước Thuận xây dựng Đề án Vùng sản xuất cây nho tập trung (giai đoạn 2018 - 2020).

Mục tiêu của đề án là nhằm nâng cao chất lượng, an toàn cho sản phẩm nho gắn với phát triển du lịch nhà vườn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, hướng đến nông dân là doanh nghiệp trên đồng ruộng. Đề án đã đề ra lộ trình thực hiện cụ thể, theo đó, Phước Thuận hình thành vùng trồng nho tập trung có chất lượng cao tại thôn Phước Khánh (với quy mô từ 30-50 ha) và thôn Hiệp Hòa (20-30 ha); gắn với phát triển du lịch sinh thái nhà vườn trên cơ sở trọng tâm từ thương hiệu Nho Ba Mọi mở rộng phát triển vùng.

Du khách tham quan tại Vườn Nho Ba Mọi (Ninh Phước). Ảnh: Văn Nỷ

Theo đồng chí Bùi Đăng Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã, thực hiện đề án trên, đã có 132 hộ tham gia xây dựng vùng sản xuất cây nho tập trung. Bên cạnh đó, xã đang tập trung hỗ trợ quảng bá thương hiệu sản phẩm cây nho, kết hợp quảng bá thương hiệu nho Ba Mọi, Thiên Thảo. Sau gần 2 năm thực hiện đề án, cùng với xây dựng vùng nho tập trung (30,8 ha) ở thôn Phước Khánh, bước đầu xã Phước Thuận đã hình thành vùng trồng diện tích 10 ha nho sạch theo hướng VietGAP, có 2 ha nho ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm. Tiếp tục thực hiện đề án, Phước Thuận khuyến khích các trang trại, doanh nghiệp liên kết liên doanh và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền đầu tư xây dựng hạ tầng đường giao thông, hệ thống tưới tiêu, điện, điểm trưng bày sản phẩm tại các vùng trồng nho tập trung nói trên, dự kiến đến năm 2020 hoàn chỉnh.

Đến nay, tính chung cả nho trồng trong và ngoài đề án vùng sản xuất cây nho tập trung, xã Phước Thuận đạt diện tích 192 ha, trong đó có trên 1 ha nho NH 01-152, 15-16 ha nho NH 01-48 và còn lại là nho đỏ Red cardinal. Diện tích nho trồng phân bổ đều khắp 7 thôn trên địa bàn xã, nhưng tập trung nhiều nhất ở các thôn Phước Khánh, vùng Cây Gòn, Cây Bông và vùng Phú Quý thuộc thôn Hiệp Hòa; vùng Bà Ôn của thôn Phú Nhuận….Là thôn trọng điểm thực hiện đề án, Phước Khánh đã xây dựng vùng nho tập trung gắn với du lịch sinh thái, miệt vườn. Anh Nguyễn Văn Tài, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn cho biết: “Phước Khánh có 20 hộ trồng nho theo hướng VietGAP, trong đó có 5 hộ liên kết với các doanh nghiệp. Ngoài thực hiện tập trung theo đề án, còn có nho trồng mới khoảng 2 ha”. Cách đây 2 năm, được hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, thôn Phước Khánh đã thành lập Tổ xây dựng Điểm trình diễn mô hình thâm canh và tưới tiết kiệm cho cây nho kinh doanh gồm 10 hộ nông dân, do anh Tài làm Tổ trưởng. Bây giờ mô hình đã kết thúc, nhưng nông dân được tiếp nhận kỹ thuật canh tác mới, trở thành lực lượng chính thực hiện Đề án xây dựng vùng nho tập trung kết hợp làm du lịch miệt vườn.

Phước Khánh có diện tích tự nhiên 111,32 ha với địa hình được bao bọc bởi sông Quao và sông Dinh nên thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Đến Phước Khánh vào một ngày ngày đầu tháng 4, chúng tôi háo hức đi dạo trong nhiều vườn nho ở đâu cũng thấy giàn nho lủng lẳng chùm trái sắp thu hoạch. Nhìn các nông dân chăm chỉ làm việc dưới giàn nho, có thể cảm nhận sức bật của cây nho xã Phước Thuận nói chung và thôn Phước Khánh nói riêng. Để phục vụ khách du lịch tham quan trong dịp Lễ hội Nho và Vang của tỉnh sắp diễn ra, Phước Khánh đã tích cực chuẩn bị các vườn nho trồng, tính toán sao cho đến thời điểm ấy vừa kịp chín mọng. Xác định đây là dịp để phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, miệt vườn, người trồng nho trong vùng đều đồng thuận bán nho tươi theo một giá thống nhất chung. Sau khi dẫn tôi vào thăm vườn nho 2 sào của mình, anh Tài tiếp tục đưa tôi tham quan vườn nho mẫu (diện tích 3 sào) của anh Trần Thanh Phương. Theo anh Phương, dự kiến vườn nho sẽ chín vào đợt 30-4, kịp phục vụ du khách đến tham quan.

Vườn nho của gia đình anh Trần Thanh Phương, thôn Phước Khánh được chăm sóc chu đáo
để chuẩn bị đón du khách nhân dịp Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận 2019.

Hiệu quả kinh tế của cây nho đã được khẳng định từ lâu, cụ thể là cao hơn 8 - 9 lần so với cây lúa. Gần đây, nho sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại tỉnh ta luôn bán được giá cao trên thị trường, khoảng 70.000 đồng/kg nho xanh và 35.000 đồng/kg nho đỏ (gấp từ 1-2 lần so với nho trồng bình thường). Trước thực tế đó, theo đồng chí Bùi Đăng Dũng, do giống nho đỏ (Red cardinal) đang có những biểu hiện thoái hoá về năng suất và phẩm chất, giá trị kinh tế thấp, nên nông dân trồng nho Phước Thuận có khuynh hướng chuyển sang trồng nho xanh NH 01-48. Vì vậy thực hiện đề án, bên cạnh tiếp tục xây dựng các vùng nho chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, Phước Thuận đề ra giải pháp phối hợp phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, các Trung tâm giống cây trồng trong tỉnh, tiến hành tuyển chọn và đưa các giống nho mới có năng suất, chất lượng cao vào trồng tại địa phương, trước mắt là giống nho NH 01-152 và nho xanh NH 01-48.