Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với huyện Bác Ái và Ninh Sơn về tình hình phát triển nông nghiệp, nông thôn

(NTO) Ngày 4-4, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh có buổi làm việc với huyện Bác Ái về tình hình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tham dự có lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Thời gian qua, từ sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bác Ái có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống thủy lợi từng bước được đầu tư nâng cấp, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc canh tác ổn định trên 11.000 ha cây trồng các loại; ý thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tiết kiệm nước của nông dân tăng lên rõ rệt; hình thành một số vùng chuyên canh cây trồng tập trung, hiệu quả kinh tế cao. Chăn nuôi tiếp tục phát triển ổn định, với tổng đàn gần 66.000 con; chương trình giao khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng được triển khai tốt, tạo sinh kế ổn định cho người dân. Kết quả huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đạt trên 118 tỷ đồng; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao. Huyện đề xuất các ngành chức năng nghiên cứu, chuyển giao một số cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình địa phương; quan tâm, hỗ trợ các tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng, để người dân có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo…

 

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc với huyện Bác Ái.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận kết quả đạt được của huyện Bác Ái trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua; đồng thời, chia sẻ những khó khăn, yếu tố bất lợi của thời tiết, ảnh hưởng đến quá trình phát triển tại địa phương. Trong thời gian tới, đồng chí đề nghị huyện cần xác định rõ tiềm năng, quy hoạch chi tiết từng vùng lợi thế, trên cơ sở đó bố trí cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và gắn kết với thị trường tiêu thụ. Tập trung đầu tư, ổn định sản xuất ở những khu vực chủ động nước tưới, mở rộng diện tích cây ăn quả gắn với áp dụng khoa học - kỹ thuật; đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp, tiến tới hình thành, mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; chú trọng phát triển chăn nuôi kết hợp trồng cỏ. Đẩy mạnh công tác quản lý đất đai, nâng cao giải pháp bảo vệ rừng, thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân xây dựng mô hình kinh tế dưới tán rừng. Đẩy nhanh lộ trình xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu, kế hoạch cụ thể…

* Trước đó, ngày 3-4, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với huyện Ninh Sơn về tình hình phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Những năm qua, tình hình nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của ngành Nông nghiệp đạt từ 6-7%/năm; đến cuối năm 2018, giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp đạt 1.229,8 tỷ đồng, chiếm 42,5% giá trị sản xuất toàn ngành. Các chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp được quan tâm, chú trọng; diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây trồng không ngừng tăng; hình thành một số mô hình tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao. Kinh tế chăn nuôi trang trại, gia trại có bước phát triển khá về quy mô, chất lượng sản phẩm. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước được đầu tư xây dựng, tiêu chí nông thôn mới tính đến cuối năm 2018 bình quân đạt 13,7 tiêu chí/xã; diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.

 Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình
bệnh khảm lá trên cây mỳ tại xã Hòa Sơn (Ninh Sơn).Ảnh: H.Lâm

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo, điều hành sát sao các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm; đặc biệt, đánh giá cao tính chủ động của Huyện ủy đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngày 15-9-2015 về tăng cường lãnh đạo thực hiện Đề án tổ chức lại sản xuất ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020. Thời gian tới, đồng chí đề nghị huyện cần xác định mục tiêu, kế hoạch phát triển cụ thể, tổ chức rà soát, khoanh vùng diện tích trồng cây mỳ và mía phù hợp; tập trung phát triển vùng trồng ớt Hàn Quốc, xây dựng thương hiệu Trái cây Lâm Sơn; triển khai mạnh mẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chương trình cánh đồng lớn. Đẩy mạnh liên kết, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, xây dựng hiệu quả mô hình hợp tác xã, nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Các sở, ngành quan tâm hỗ, tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện phát triển toàn diện.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã kiểm tra tình hình bệnh khảm lá trên cây mỳ tại xã Hòa Sơn. Tại đây, đồng chí đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có phương án xử lý; đồng thời, xem xét chính sách hỗ trợ phù hợp cho nông dân để tái đầu tư sản xuất.