Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Nâng cao các giải pháp, tích cực đổi mới để cải thiện mức độ hài lòng bệnh nhân

(NTO) Qua kết quả khảo sát cho thấy, sự hài lòng của người dân về dịch vụ khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong những năm qua đã được cải thiện đáng kể, đạt tỷ lệ 77,7%, tăng 3,7% so với năm 2017 và tăng 31,7% so với năm 2015. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đáp ứng sự mong đợi của người dân, bệnh viện cần có sự nỗ lực và tích cực đổi mới hơn nữa.

Cuộc khảo sát do UBND tỉnh tổ chức thực hiện trên cơ sở lấy phiếu khảo sát, ghi nhận ý kiến đánh giá sự hài lòng của gần 500 người nhà bệnh nhân, bệnh nhân đã từng điều trị nội trú trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9-2018, có thời gian nằm viện 72 giờ trở lên. Nội dung khảo sát xoay quanh 5 vấn đề: khả năng tiếp cận, sự minh bạch thông tin và thủ tục khám, chữa bệnh; cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ người bệnh; thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế; khả năng cung ứng dịch vụ.

Kết quả, trong 5 vấn đề trên, nhóm yếu tố về khả năng tiếp cận có tỷ lệ hài lòng đạt cao nhất, ở mức 86,6%. Trong đó bệnh nhân đánh giá cao về hạ tầng kỹ thuật, cách bố trí, sắp xếp khoa phòng, lối đi, môi trường trong khuôn viên của bệnh viện xanh, sạch, đẹp… tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân trong việc di chuyển, đi lại, cũng như góp phần giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn trong thời gian khám và điều trị. Ngoài ra, người dân cũng đánh giá cao về thái độ tôn trọng, đối xử công bằng của nhân viên y tế (đạt 80,3%); thái độ của bác sỹ thăm khám, động viên tại phòng điều trị (đạt 87,2%); nhân viên y tế có thái độ, giao tiếp đúng mực (đạt 90%) và đặc biệt nhân viên y tế không có biểu hiện gợi ý bồi dưỡng (đạt 93,9%)…

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố bệnh viện cần có sự đầu tư và đổi mới để đáp ứng sự mong đợi của bệnh nhân. Điển hình như trong nhóm yếu tố về phương tiện phục vụ người bệnh, nhiều bệnh nhân chưa hài lòng về sự riêng tư trong quá trình điều trị (chỉ đạt 42,2%); hay đối với căng-tin phục vụ ăn uống của bệnh viện chỉ đạt 50,9%; hệ thống cấp nước uống nóng, lạnh không hoạt động tốt (60,4%); giường bệnh, mền, gối cho mỗi bệnh nhân chưa được cung cấp, thay kịp thời (75,3%)… Và đặc biệt, có đến 33,4% người dân chưa hài lòng về kết quả điều trị và 37,4% người cho rằng giá cả dịch vụ y tế hiện nay là cao, chưa phù hợp, tương xứng với kết quả điều trị.

Bệnh nhân đến làm các thủ tục khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Ngoài các khoa lâm sàng, đợt khảo sát còn thu thập thông tin, mức độ hài lòng tại 2 khoa được xem là “bộ mặt” của bệnh viện là Khoa Cấp cứu và Khoa Khám bệnh. Kết quả, mức độ hài lòng chung của người dân đối với Khoa Khám bệnh đạt 79,5%, tỷ lệ này đã được cải thiện rõ rệt so với năm 2017 (68,8%); mức độ hài lòng tại Khoa Cấp cứu 84,6%, tăng 7,6% so với năm 2017. Các vấn đề mà nhiều người dân vẫn chưa hài lòng và mong muốn cần cải thiện hơn cả tại 2 khoa này là bệnh viện cần cải cách, rút ngắn thủ tục, thời gian chờ khám bệnh; cán bộ y tế cần giải thích tình trạng, phương pháp điều trị rõ ràng, đầy đủ hơn trong quá trình thăm khám cho bệnh nhân.

Bác sĩ Lê Vũ Chương, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Qua cuộc khảo sát giúp bệnh viện nhận diện rõ hơn những bất cập, hạn chế hoạt động của đơn vị, từ đó có biện pháp cải tiến, khắc phục, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Đây là một khảo sát tại cộng đồng, được thực hiện sau khi bệnh nhân đã xuất viện nên bảo đảm tính khách quan.

Phân tích các yếu tố còn hạn chế, đồng chí Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm: Trong điều kiện nguồn nhân lực, đặc biệt đội ngũ bác sĩ thiếu thốn, trong khi đó lượng bệnh nhân đến khám và điều trị lớn, nhiều lúc dẫn đến quá tải tại các khoa, nhất là các khoa: Khám bệnh, Cấp cứu, Sản, Nhi, Nhiễm… Áp lực đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế là rất lớn nên nhiều lúc dẫn đến có lời nói, thái độ chưa đúng mực, chất lượng phục vụ chưa cao. Sở Y tế đã chỉ đạo bệnh viện thực hiện các giải pháp, trong đó tập trung vào việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chuyên sâu; tăng cường cải cách hành chính để giảm thủ tục và rút ngắn thời gian chờ đợi, giảm phiền hà cho người dân; tổ chức các lớp tập huấn về đổi mới phong cách, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh; đầu tư trang thiết bị nâng cấp các hạng mục cơ sở… để từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đây cũng chính là việc làm cần thiết để xây dựng bệnh viện trở thành bệnh viện hạng I vào năm 2020.