Khoảnh khắc và Sự kiện 23-3

* Trong nước

- Ngày 23-3-1931: Xứ ủy Nam Kỳ và Thành ủy Sài Gòn lãnh đạo 400 công nhân Hãng Xôcôny ở Nhà Bè (Sài Gòn) bãi công đòi tăng lương, giảm giờ làm và chống đánh đập. Thực dân Pháp điều lính đến đàn áp và vấp phải sự chống trả quyết liệt của công nhân. Cuộc đấu tranh này làm chấn động Sài Gòn và cả dư luận ở nước Pháp. Quốc tế Công hội Đỏ đã cử một phái đoàn sang Việt Nam điều tra và đứng ra bào chữa cho các chiến sĩ công nhân bị tòa án thực dân truy tố.

- Ngày 23-3-1956: Bác Hồ nói chuyện tại Đại hội Giáo dục phổ thông toàn quốc.

Tại đại hội, Bác nhấn mạnh, kinh tế có kế hoạch, giáo dục cũng phải có kế hoạch. Kế hoạch giáo dục phải gắn liền với kế hoạch kinh tế. Giáo dục phải cung cấp cán bộ cho kinh tế. Kinh tế tiến bộ thì giáo dục mới tiến bộ được. Nếu kinh tế không phát triển thì giáo dục cũng không phát triển được. Giáo dục không phát triển thì không đủ cán bộ giúp cho kinh tế phát triển. Hai việc đó liên quan mật thiết với nhau…

Với Bác Hồ, nhiệm vụ của giáo dục là phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Đó là không chỉ là trách nhiệm nặng nề, mà là nhiệm vụ đặt ra đối với ngành giáo dục nước ta cho hôm nay và cho cả mai sau. Hơn 60 năm trôi qua, nhưng những lời dạy của Người vẫn là bài học bổ ích cho công cuộc xây dựng đất nước hiện nay.

- Ngày 23-3-2010: Khánh thành Bia tưởng niệm tuyến đường hành lang lịch sử Bắc - Nam tại buôn Bon Kon, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông).

Bia tưởng niệm tuyến đường hành lang lịch sử Bắc - Nam được xây dựng trên khuôn viên 10.000m2 với kinh phí hơn 600 triệu đồng, bao gồm nhà bia tưởng niệm, công viên…  

Bia ghi danh những chiến sỹ B90 từ ngoài Bắc vào gặp những chiếc sỹ C200  thuộc miền Đông Nam Bộ vào lúc 16 giờ ngày 30-10-1960, đánh dấu sự thông suốt hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa và tuyền tuyến lớn miền Nam. Sau khi thông tuyến đã góp phần đưa hàng vạn thanh niên từ miền Nam ra miền Bắc học tập và trở về chiến đấu giải phóng quê hương, đồng thời đưa hàng vạn thanh niên miền Bắc vào cùng quân và dân miền Nam kháng chiến cứu nước. 

* Thế giới

- Ngày 23-3-1857: Thang máy đầu tiên được đưa vào sử dụng.

Thang máy đầu tiên được chế tạo dưới triều vua Louis XV ở Versailles, Pháp năm 1743. Tuy nhiên, chiếc thang máy đầu tiên trên thế giới được đưa vào sử dụng là chiếc thang máy do Elisha Otis (1811-1861) phát minh. Chiếc thang máy này được lắp tại nhà hàng 488 Broadway, thành phố New York (Mỹ) và sử dụng các hệ thống thủy lực điều khiển ròng rọc để kéo hoặc thả thang máy lên xuống. 

Những năm đầu thập niên 1870, có tới 2.000 thang máy Otis được đưa vào sử dụng. Sang thế kỷ XX, đã có nhiều loại thang máy của nhiều hãng khác nhau ra đời, hoạt động êm và dừng tầng chính xác hơn. Đầu những năm 1990, thế giới đã chế tạo được những thang máy có tính năng kỹ thuật đặc biệt. Các sản phẩm phục vụ ngành thang máy cũng bắt đầu được cải tiến, thanh cuốn, băng chuyền lần lượt xuất hiện. Và thang máy đã trở thành một phần không thể thiếu trong các tòa nhà cao tầng. 

- Ngày 23-3-2001: Trạm vũ trụ Hòa bình chấm dứt sứ mệnh lịch sử. 

Trạm vũ trụ Hòa Bình (hay Trạm vũ trụ Mir) là một trong những biểu tượng của thành tựu nghiên cứu vũ trụ của Liên Xô. Đây là trạm nghiên cứu đầu tiên theo kiểu modular được phóng lên vũ trụ, chuyên chú vào các thí nghiệm khoa học phục vụ mục đích hòa bình và sự phát triển của con người.

Trong suốt 15 năm hoạt động, vượt thời gian tính toán của các kỹ sư thiết kế hơn 10 năm, đã có 23.000 thí nghiệm khoa học, 24 chương trình quốc tế về nghiên cứu khoa học-kỹ thuật được tiến hành trên Trạm, trong đó hàng nghìn công trình nghiên cứu, phát minh đã và đang được ứng dụng vào thực tiễn, đem lại nhiều lợi ích cho cuộc sống con người. 

Sau khi chấm dứt hoạt động, Trạm vũ trụ Hòa bình đã được điều khiển để rơi xuống vùng biển Nam Thái Bình Dương. 

- Ngày 23-3-2013: Tại trung tâm thành phố Choisy-Le-Roi, diễn ra lễ khánh thành quảng trường mang tên “Hiệp định Paris” và cột “Biểu tượng vì Hòa bình”, do nữ họa sỹ Pháp Đôminicơ Mítxơcôn thiết kế, mang ngôn ngữ điêu khắc hiện đại. Dưới chân cột Biểu tượng là bia đá mang dòng chữ: “Từ 1968 đến 1973, Choisy-Le-Roi đã đón đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang đàm phán và ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27-1-1973. Choisy-Le-Roi vinh dự được đóng góp cho hòa bình ”.   

Theo TTXVN