Khoảnh khắc và Sự kiện 16-3

* Trong nước:

- Ngày 16-3-1961: Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng).

Người khẳng định: “xây dựng chủ nghĩa xã hội để cho đời sống toàn dân được ấm no, hành phúc. Muốn no thì phải sản xuất nhiều gạo. Muốn ấm thì phải sản xuất nhiều vải. Muốn có gạo, có vải thì nông nghiệp không thể mãi như hiện nay mà phải có máy móc. Máy móc là do các chú làm”. 

Người cũng nhắc nhở: “Phong trào ở đây đương phát triển tốt… nhưng không nên chỉ bốc đồng lên từng lúc, mà phải bền bỉ liên tục”.

Đã hơn 50 năm, nhưng âm vang của phong trào sóng Duyên Hải vẫn còn đọng lại, vẫn là bài học bổ ích cho công cuộc xây dựng đất nước hiện nay.

- Ngày 16-3-2013: Nghề làm tranh Đông Hồ nhận Bằng Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia.

Tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ ra đời từ khoảng thế kỷ XVII tại làng Đông Hồ, tỉnh Bắc Ninh.

Tranh Đông Hồ hấp dẫn, độc đáo ở màu sắc, bố cục, khuôn hình. Với những chất liệu hoàn toàn tự nhiên, chỉ với 4 màu cơ bản: đen, vàng, đỏ, xanh, các nghệ nhân vẫn làm nên những bức tranh hết sức sống động, hài hòa và vô cùng độc đáo, phản ánh ước mơ, khát vọng sống của con người về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc…

Sau khi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, tranh Đông Hồ đã được đưa vào danh sách di sản lập hồ sơ trình UNESCO xét danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. 

- Ngày 16-3-2016: Việt Nam-Lào hoàn thành hệ thống mốc quốc giới.

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng có chung đường biên giới dài 2.340km, trải dài suốt 10 tỉnh của Việt Nam từ Điện Biên đến Kon Tum. Ðây là đường biên giới trên bộ dài nhất của Việt Nam với một nước láng giềng. 

Từ năm 2008, hai bên đã triển khai tôn tạo và cắm mới 1.002 cột mốc và cọc dấu trên toàn tuyến biên giới.

Việc hoàn thành thắng lợi toàn bộ dự án đã góp phần hoàn thiện chất lượng đường biên giới Việt Nam-Lào cả về pháp lý và thực tiễn, từ nay giữa hai nước có một đường biên giới rõ ràng, được ghi nhận chi tiết trong các văn kiện pháp lý và được đánh dấu bằng một hệ thống mốc quốc giới chính quy, hiện đại, bền vững trên thực địa. 

* Thế giới:

- Ngày 16-3-2008: Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) báo động về tốc độ tan chảy các dòng sông băng.

Trên cơ sở đo độ dày các lớp băng từ 30 dòng sông băng nằm trong 9 dãy núi, UNEP kết luận trong khoảng thời gian 2004-2005 và 2005-2006, tỷ lệ băng tan trung bình đã tăng gấp đôi. Tính từ năm 1980 đến nay, độ dày của các dòng sông băng đã giảm tổng cộng tới 11,5 m. 

Sông băng trên núi Everest đang tan chảy với tốc độ nhanh hơn các nơi khác trên thế giới.

UNEP cho biết: “thủ phạm” đứng đằng sau sự hao hụt một khối lượng lớn băng này là tình trạng biến đổi khí hậu trái đất, xuất phát từ hành động sử dụng nhiên liệu hoá thạch của con người. Băng tan sẽ dẫn đến tác động tiêu cực đối với ngành nông nghiệp, sản xuất điện, gây gián đoạn nguồn nước sinh hoạt tới người dân, đồng thời khiến mực nước biển dâng cao. 

Báo cáo kêu gọi các chính phủ hành động khẩn cấp nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu, nguyên nhân trực tiếp khiến các sông băng ngày càng thu hẹp. 

- Ngày 16-3-2011: Tàu “Liên hợp TMA-M” thế hệ mới hạ cánh tại Kazakhstan.

Tàu vũ trụ có người lái thế hệ mới đầu tiên mang tên “Liên hợp TMA-M” (Soyuz TMA-M “Expedition-25”) của Nga, được phóng thành công lên quỹ đạo ngày 8-10-2010, từ sân bay vũ trụ Baikonur Kazakhstan. Tàu mang theo hai nhà du hành Nga là Alexander Kalery và Olek Skripochka cùng nhà du hành của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) Scott Kelly.

Trong thời gian hơn 5 tháng trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), các nhà du hành đã tiến hành hàng loạt các thí nghiệm để kiểm tra sự thích ứng của con tàu thế hệ mới đầu tiên này với một loạt hệ thống đã được cải biến, trong đó bao gồm cả máy tính và các hệ thống viễn trắc. 

Ngày 16-3-2011, tàu đã hạ cánh an toàn tại vùng thảo nguyên ở Kazakhstan.