Khoảnh khắc và Sự kiện 23-2

* Trong nước

- Ngày 23-2-1962: Bác Hồ dự họp Bộ Chính trị bàn về tình hình quốc tế và công tác đối ngoại, Bác căn dặn: “Cần có sự kiểm tra, đôn đốc cán bộ ngoại giao và nhắc nhở họ: ra ngoài đừng tham”. Bàn về cách mạng miền Nam, Bác lưu ý phải nắm được đặc tính của cuộc chiến tranh, chuẩn bị quan điểm để tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc và Liên Xô, phải quan tâm đến đồng bào Thượng và kiên trì khẩu hiệu: “Trường kỳ gian khổ, nhất định thắng lợi”.

- Ngày 23-2-2005: Chính phủ quyết định lấy ngày 23-11 hằng năm là Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam.

Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam ra đời nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, cũng là dịp để các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

- Ngày 23-2-2018: Trao kỷ lục Việt Nam công nhận làng có nhiều Tiến sỹ Nho học nhất cả nước. Ngày 23-2 (tức mùng 8 tháng Giêng năm Mậu Tuất), tại xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, đã diễn ra lễ hội truyền thống Làng Tiến sĩ Mộ Trạch, kỷ niệm 1.214 năm ngày sinh Đức Thần Tổ Vũ Hồn (804 - 2018), ông tổ của dòng họ Vũ - Võ Việt Nam. Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam đã trao Cúp kỷ lục Việt Nam công nhận Làng Tiến sĩ Mộ Trạch là làng có số lượng Tiến sĩ Nho học nhiều nhất cả nước từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVIII. 

Làng Mộ Trạch là làng Tiến sĩ duy nhất của nước ta với 36 Tiến sĩ đại khoa kể từ thời nhà Trần cho đến thế kỷ XVIII. Tiếng tăm khoa bảng làng Mộ Trạch đã được khẳng định qua câu phương ngôn “Tiền làng Đọc, thóc làng Nhữ, chữ làng Chằm” (tên xưa của làng Mộ Trạch). Vua Tự Đức cũng đã có lời khen ngợi về sự học của làng Mộ Trạch “Mộ Trạch nhất gia bán thiên hạ” (Một làng Mộ Trạch tài bằng nửa cả nước). Ngôi làng này cũng là quê hương của nhiều danh sĩ như nhà văn Vũ Ngọc Phan, Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn (tên thật là Vũ Nguyễn Bác), quê ngoại của Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu...

* Thế giới

- Ngày 23-2-2008: Nhật Bản phóng vệ tinh Internet tốc độ cao. 

Từ Trung tâm Vũ trụ tại đảo Tanegashima, miền Nam, Nhật Bản phóng thành công vệ tinh thử nghiệm Kizuna (Gió) nhằm cung cấp dịch vụ truy cập Internet tốc độ cao trên toàn châu Á.

Vệ tinh viễn thông này được thiết kế để hoạt động trong 5 năm với chi phí 342 triệu USD, nhằm đảm bảo các dịch vụ tốc độ băng thông rộng ở khu vực châu Á và cho phép chuyển tải các dữ liệu với tốc độ “siêu nhanh” lên tới 1,2 Gigabyte/giây. 

Đây là tốc độ nhanh nhất trên thế giới, gấp 150 lần so với tỷ lệ kết nối ADSL tốc độ cao trung bình là 8m Megabyte/giây hoặc gấp 12 lần tốc độ truyển tải bằng đường cáp quang. 

- Ngày 23-2-2013: Tuyến đường sắt Trung Quốc - ASEAN đi vào hoạt động. 

Sau 7 năm xây dựng, tuyến đường sắt nối tỉnh Vân Nam của Trung Quốc với một số nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã chính thức đi vào hoạt động.

Đây là dự án đường sắt quốc tế nhằm đưa Trung Quốc xích gần hơn với khu vực Đông Nam Á. Tuyến đường sắt này dài 141 km, chạy qua 35 đường hầm và 61 cây cầu, được thiết kế theo tiêu chuẩn tàu hỏa đạt vận tốc tối đa 120 km/h và là một phần trong tuyến đường sắt miền Đông của mạng lưới đường sắt xuyên Á.

Với việc đưa tuyến đường sắt vào hoạt động, Trung Quốc và ASEAN cải thiện đáng kể tình trạng giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế dọc theo các tuyến đường này. 

- Ngày 23-2-2017: Singapore ra mắt chung cư thông minh đầu tiên ở Đông Nam Á. Đây là chung cư đầu tiên tích hợp giải pháp công nghệ LifeUp “3 trong 1” bao gồm: Nhà thông minh, cộng đồng thông minh và thanh toán thông minh.

Khác với các ứng dụng nhà thông minh trước đây, giải pháp công nghệ mới này cho phép tích hợp một cách đầy đủ nhất các tính năng bao gồm nhận diện khuôn mặt, nhận dạng biển xe thông minh và khóa cửa sinh trắc học, điều chỉnh hệ thống ánh sáng cũng như nhiệt độ điều hòa và nước nóng để tiết kiệm năng lượng...

LifeUp đã được nghiên cứu và phát triển trong hai năm và là kết quả của sự hợp tác chiến lược giữa Công ty đầu tư Fantasia và Smart Gateway.

Hiện thị trường “nhà thông minh” đang phát triển ngày một nhanh chóng ở châu Á và dự kiến sẽ đạt 115 tỷ USD vào năm 2030, chiếm 30% thị phần toàn cầu.