Đưa hàng tết bình ổn giá về vùng nông thôn

Với lượng hàng hóa phong phú và dồi dào, các điểm bán hàng bình ổn phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi -2019 và điểm bán hàng tết do các doanh nghiệp tổ chức luôn được người dân các xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh đón nhận nhiệt tình.

Có mặt tại xã Phước Diêm (Thuận Nam) vào ngày 20-1, chúng tôi nhận thấy, để cho người dân dễ dàng nhận biết hàng bình ổn, tại đây các nhân viên của Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà đã treo băng–rôn, bảng hiệu “Điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ Tết” và thực hiện niêm yết giá tất cả các sản phẩm trưng bày. Trước khi đưa hàng bình ổn về bán, các doanh nghiệp đều kết hợp với chính quyền địa phương thông báo lịch bán hàng, treo bảng niêm yết giá. Người dân địa phương tin tưởng, có dịp mua hàng tết ở gần nhà nên đã rủ nhau đến tham quan, mua sắm đông vui như ngày hội. Chị Nguyễn Thị Hương ở xã Phước Diêm sau khi mua đầy hai giỏ hàng hồ hởi: “Tết năm nào tôi cũng đợi đến chợ tết này để mua sắm. Tôi thấy tại đây có nhiều hàng hóa, giá cũng vừa phải, lại có nhiều phần quà khuyến mãi. Từng mua sắm nên tôi rất yên tâm, tin tưởng với chất lượng hàng hóa. Mong các năm tới đơn vị sẽ tổ chức sớm hơn, dài ngày hơn để nhiều người dân có cơ hội mua sắm”. Chị Phạm Thị Mỹ Hạnh, Công ty Công ty TNHH TM&DV Sài Gòn–Phan Rang (Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà) tham gia bán hàng tại chợ tết cho biết: “Thấy đơn vị dựng quầy bày hàng hóa, bà con đã rủ nhau cùng đến mua hàng. Những sản phẩm như bột giặt, nước mắm, muối, dầu ăn... được người dân mua nhiều nhất. Qua nhiều lần trực tiếp tham gia đưa hàng tết về khu vực nông thôn, mình thấy người dân vùng sâu, vùng xa có nhu cầu mua sắm khá cao, nhưng lại thiếu những điểm bán hàng có chất lượng. Vì vậy, họ rất mong chợ tết được tổ chức tại địa phương. Ngoài việc phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại hệ thống siêu thị, đến thời điểm này, chúng tôi đã thực hiện được 10/16 chuyến đưa các mặt hàng bình ổn giá về nông thôn, doanh thu đạt gần 95 triệu đồng.

Người dân nhộn nhịp mua sắm tại các gian hàng bình ổn giá. Ảnh: A.Tuấn

Trong đợt đưa hàng bình ổn về các xã vùng sâu, vùng xa trong dịp tết năm nay, hầu hết các doanh nghiệp đều có chương trình khuyến mãi như tặng quà, giảm giá trực tiếp trên sản phẩm... để kích cầu người tiêu dùng địa phương. Việc đưa hàng tết về nông thôn đã góp phần giúp người dân khu vực xa trung tâm có cơ hội tiếp cận nguồn hàng chất lượng, an toàn với mức giá phù hợp. Ðồng thời, cũng từng bước gắn kết người tiêu dùng với các thương hiệu của các doanh nghiệp trong nước, thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Theo Sở Công Thương, thực hiện Chỉ thị 08/CT-BCT ngày 30-10-2018 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2018 và dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi- 2019, Sở Công Thương đã triển khai kế hoạch bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Kỷ Hợi- 2019. Trong đợt này, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh dự trữ khoảng 550 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2018. Có 4 doanh nghiệp tham gia bình ổn giá gồm: Công ty TNHH MTV TMDV Sài Gòn – Phan Rang, Công ty Cổ phần lương thực Nam Trung Bộ, Công ty TNHH TM&DV Trúc Nguyên, Công ty TNHH Dược phẩm – Thương mại Thy Thy. Trong toàn tỉnh tổ chức 9 điểm bán hàng cố định và 66 chuyến bán hàng lưu động về các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên 33 xã, phường, thị trấn, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Tính đến ngày 27-1, các doanh nghiệp đã triển khai thực hiện 33 chuyến bán hàng lưu động, trong đó Siêu thị Co.opmart Thanh Hà 10 chuyến, Công ty Lương thực Nam Trung bộ 8 chuyến, Công ty Trúc Nguyên 9 chuyến và Công ty Thy Thy 6 chuyến; doanh số bình quân 9 triệu đồng/chuyến.

Ông Nguyễn Văn Luân, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương cho biết: Nhằm kiểm tra, giám sát công tác bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Kỷ Hợi- 2019, Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát việc tổ chức bán hàng tại các điểm bán hàng cố định và một số đơn vị trên địa bàn các huyện, thành phố. Qua đợt kiểm tra, giám sát việc tổ chức bán hàng lưu động trên địa bàn huyện, cơ bản các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc như treo biển điểm bán hàng bình ổn, niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, hàng hoá đảm bảo chất lượng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thị trường, cung cầu, dự trữ hàng hóa thiết yếu nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người dân, tránh tình trạng khan hiếm hàng hóa gây đột biến về giá; phối hợp với các đơn vị, địa phương kiểm tra, giám sát công tác bán hàng bình ổn thị trường của các doanh nghiệp.