Công nghiệp hỗ trợ Việt kết thúc có hậu chuyện "không làm nổi ốc vít"

Theo thống kê của Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có khoảng 1.800 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, nhưng mới có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng của công ty đa quốc gia.

Vài năm trước, Samsung, một trong những công ty sản xuất hàng điện tử đứng đầu thế giới từng gặp thất bại trong việc tìm kiếm nhà cung ứng linh kiện tại Việt Nam. Câu chuyện không một công ty nội địa nào có thể cung cấp một con ốc đạt chuẩn cho Samsung thời gian đó đã làm dậy sóng dư luận về sự yếu kém của doanh nghiệp nội địa trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chuyện được đẩy lên cao trào khi GS. Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói rằng "không sản xuất được ốc vít, sạc pin cho Samsung và doanh nghiệp FDI là nỗi đau của Việt Nam".

Nhiều công ty Việt Nam trong ngành công nghiệp hỗ trợ thời điểm đó không thể đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của Samsung, dù chỉ là một linh kiện đơn giản nhất.

Nhưng khó khăn cũng là cơ hội của những kẻ thức thời. Trong bối cảnh "mông lung", vẫn có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư "đặt cược" vào công nghiệp hỗ trợ, nhất là sau khi Chính phủ ban hành nhiều chính sách ưu đãi và khuyến khích đầu tư.

Phát biểu tại một hội nghị về công nghiệp hỗ trợ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năng lực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước dần được cải thiện, đáp ứng một bước tiến trình nội địa hóa của các ngành sản xuất, cụ thể là 40-45% cho ngành dệt may, da giầy, 10-20% cho sản xuất, lắp ráp ôtô dưới 9 chỗ, 15% điện tử tin học, viễn thông, 5% cho điện tử chuyên dụng và công nghệ cao.

Đáng chú ý, trước đây Samsung có tỷ lệ sản xuất trong nước - bao gồm cả FDI và doanh nghiệp Việt Nam - bằng 0, thì nay đạt trên 30%.

Một ví dụ khác. Năm 2015, khi câu chuyện về chiếc ốc vít được thổi bùng, thì cũng là lúc Công ty Cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên thành lập, với mục đích là tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Còn hiện nay, đây là nhà sản xuất linh kiện nhựa cung ứng cho nhiều ngành công nghiệp như hàng gia dụng kỹ thuật số, linh kiện điện tử, phụ tùng xe hơi… Sau 3 năm, công ty non trẻ này đã trở thành nhà cung cấp cấp 1 cho Samsung Việt Nam.

Không chỉ Minh Nguyên, hàng trăm doanh nghiệp Việt khác hiện đã trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng cho Samsung, Toyota, LG, Trường Hải…

Dù vậy, Phạm Mạnh Thắng - một chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nâng cao năng suất - đánh giá nhiều doanh nghiệp Việt trong ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn khá bị động.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có khoảng 1.800 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, nhưng mới có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng của công ty đa quốc gia.

"Doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam, cần tìm nhà cung ứng, khi đó doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam giống các cô gái vẫn ở trong nhà, trang điểm đẹp đẽ để chờ đợi", ông Thắng ví von.

Mặt khác, khi ngày càng nhiều hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, linh kiện, phụ tùng của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc, Thái Lan hay Indonesia.

"Sân chơi bằng phẳng thì cần nhìn ra cả bên ngoài, vì không phải ai cũng đến nhà mình. Anh có cơ hội thì tôi cũng có cơ hội", ông Thắng nói. "Nếu doanh nghiệp Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc xuất linh kiện sang mà cạnh tranh được với doanh nghiệp trong nước thì phải tự trách mình vì chi phí của họ thấp hơn hẳn".

Ông cũng dự báo, khối doanh nghiệp tư nhân trong nước thời gian tới sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho công nghiệp hỗ trợ.

Theo vneconomy.vn