Ngành Nông nghiệp trước những cơ hội và khó khăn, thách thức

(NTO) Sự bứt phá mạnh mẽ của ngành Nông nghiệp thời gian qua tạo niềm tin để cho ngành tiếp tục thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng cánh đồng lớn (CĐL) ở chiều sâu hơn. Nhưng trong niềm vui đạt được thành quả, cũng phải nhìn nhận những khó khăn, thách thức để nỗ lực hơn trong thời gian tới.

Xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao với các sản phẩm đặc thù của vùng nắng gió cực Nam Trung Bộ là lựa chọn đúng của tỉnh để tạo sự khác biệt. Những kết quả đạt được trong năm 2018 như: Chuyển đổi cây trồng được hơn 1.360 ha, xây dựng 14 CĐL với tổng diện tích hơn 1.825, lựa chọn được 12 sản phẩm đặc thù để ưu tiên đầu tư phát triển, nhằm nâng vị thế ngành Nông nghiệp lên tầm cao mới. Chương trình liên kết sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm được thực hiện tốt trong năm 2018; toàn bộ sản phẩm các loại cây trồng ở những vùng chuyển đổi được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn ngoài thị trường; môt số nhà máy chế biến nông sản nâng công suất hoạt động, tạo điều kiện cho nông dân tham gia vào chuỗi giá trị cũng là những tín hiệu vui của năm 2018.

 

Mô hình trồng nho ứng dụng công nghệ cao ở xã Vĩnh Hải (Ninh Hải).

Năm 2019, nhiều cơ hội cho ngành Nông nghiệp duy trì đà tăng trưởng, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đan xen. Các sản phẩm đặc thù sau khi được lưa chọn sẽ gia nhập vào các thị trường lớn, trong “sân chơi” hội nhập, đòi hỏi nông dân phải canh tác theo một quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, đảm bảo quy chuẩn về chất lượng mới được thị trường chấp nhận. Những khó khăn dễ nhận thấy là mặc dù nông nghiệp đã đi vào sản xuất hàng hóa, nhưng quy mô vẫn còn nhỏ, hàm lượng khoa học trong sản phẩm chưa cao là thách thức của ngành Nông nghiệp. Giải quyết vấn đề này, không gì hơn là phải đẩy mạnh triển khai xây dựng các mô hình chuyển giao khoa - học kỹ thuật, hình thành các vùng sản xuất tập trung với những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Trong năm 2019, để ngành Nông nghiệp phát huy được tối đa các nguồn lực phát triển, đạt được những thắng lợi cao hơn, tỉnh chỉ đạo ngành chức năng sớm triển khai thực hiện, đưa các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn vào cuộc sống. Nếu làm tốt chương trình hỗ trợ nhân rộng mô hình CĐL, chuyển đổi cây trồng cạn, ứng dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước, áp dụng quy trình VietGAP theo Quyết định số 65/2017/QĐ-UBND ngày 15-8-2017 của UBND tỉnh, thì nông nghiệp chắc chắn sẽ bức phá vươn lên. Nhưng từ lý thuyết đến thực tiễn là cả một chặng đường dài, đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp trong việc khảo sát quy hoạch vùng sản xuất, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ liên kết sản xuất. Thực tế triển khai mô hình CĐL trong năm 2018 cho thấy, ở đâu có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu, thì ở đó có thành công. Và năm nay, theo chỉ đạo của đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, tinh thần đó phải tiếp tục được nâng lên ở tầm cao hơn. Địa phương nào không hoàn thành chỉ tiêu chuyển đổi cây trồng cạn, xây dựng CĐL theo kế hoạch, thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước tỉnh.

Mô hình cánh đồng lớn thực hiện có hiệu quả trong vụ mùa năm 2018 ở xã Phước Hậu (Ninh Phước). Ảnh: A.T

Theo quyết định số 1923/QĐ-UBND ngày 13-11-2018 của UBND dân tỉnh về việc giao chỉ tiêu kế hoạch triển khai mô hình sản xuất CĐL, năm 2019 bên cạnh tiếp tục duy trì 14 cánh đồng đã thực hiện trong năm qua, các địa phương triển khai mới 12 cánh đồng, với tổng diện tích hơn 1.047 ha. Thuận lợi trong thực hiện chương trình là kinh phí hỗ trợ mua giống, vật tư nông nghiệp theo nội dung của Quyết định 65 được cấp phát nhanh, nhưng yêu cầu đặt ra là xây dựng CĐL phải đi vào chiều sâu, đảm bảo tính bền vững là những thách thức mới. Huyện Ninh Phước thành công trong vận động các hộ có ruộng liền kề tham gia thực hiện chương trình, năm nay nâng lên tầm cao hơn là san bằng bờ thửa. Đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho hay: Tâm lý e ngại của nông dân trong “dồn điền” là khó tránh khỏi, nhưng huyện vẫn quyết tâm thực hiện vì mô hình đưa lại nhiều lợi ích, khi phá bờ diện tích canh tác tăng thêm, thuận lợi cho ứng dụng công nghệ mới vào làm đất, gieo sạ và thu hoạch.

Đánh giá đúng nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh ta chỉ mới đạt ở mức độ trung bình để phấn đấu vươn lên đó là cách nhìn tích cực, mang tính cầu thị. Dù còn đối diện với những khó khăn, nhưng vẫn có cơ sở vững chắc để kỳ vọng ngành Nông nghiệp đủ sức vươn ra “biển lớn”.

Anh Tùng