Mùa xuân trên cánh đồng lúa lớn Phước Hậu

(NTO) Bắt đầu từ vụ hè-thu năm 2017, xã Phước Hậu (Ninh Phước) khởi động thực hiện chủ trương xây dựng mô hình sản xuất lúa cánh đồng lớn (CĐL), hướng đi mới đã khẳng định ưu điểm vượt trội qua từng mùa vụ. Một mùa xuân mới lại về, niềm vui đón năm mới của bà con nông dân nơi đây càng thêm no ấm.

Sức lan tỏa của mô hình sản xuất lúa CĐL ở xã Phước Hậu ngày càng được khẳng định, từ 56 ha ban đầu triển khai thí điểm ở thôn Hiếu Lễ, đến nay đã tăng lên 300 ha, với 647 hộ tham gia. Điều này cho thấy, ý thức chuyển hướng từ nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung hàng hóa của nông dân ngày càng rõ rệt. Vụ mùa này, ông Ngụy Thành Nha, ở thôn Hiếu Lễ rất phấn khởi vì đây là vụ lúa thứ 3 liên tiếp gia đình ông tham gia sản xuất lúa theo mô hình CĐL trên diện tích 3 sào. Theo ông Nha, nhiều năm làm ruộng theo phương thức truyền thống, tôi nhận thấy không có gì đổi mới và từ khi chuyển sang sản xuất lúa theo mô hình CĐL cho thấy hiệu quả hơn hẳn, từ việc giảm chi phí đầu tư cho đến lợi nhuận mang lại. Ngoài định hướng phát triển CĐL, ngành Nông nghiệp còn tổ chức hỗ trợ, tập huấn quy trình cụ thể, cùng với việc thực hiện liên kết 4 nhà, nên mùa vụ luôn đạt cao, lúa sau khi thu hoạch được tiêu thụ ổn định. Ông Hán Đình Tráng, ở thôn Phước Đồng 1, chia sẻ: Cùng một xứ đồng và diện tích đó, nhưng trước đây bà con sản xuất theo kiểu “mạnh ai nấy làm” nên việc chăm sóc và theo nước rất khó khăn. Từ khi tham gia mô hình CĐL, nông dân ứng dụng đồng loạt các giải pháp kỹ thuật trong quá trình canh tác; nhờ đó, lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng ít hơn, năng suất bình quân đạt 8 tạ/sào, thu nhập tăng gấp rưỡi so với các ruộng lúa sản xuất thông thường.

Sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn, góp phần
tăng thu nhập cho nông dân xã Phước Hậu.

Từ thành công qua các mùa vụ, làm cơ sở cho nông dân Phước Hậu hướng tới mục tiêu cao hơn, thông qua việc mạnh dạn thực hiện san phẳng bờ ruộng, tiến hành dồn điền, đổi thửa hướng tới sản xuất tập trung trên quy mô lớn theo chủ trương của ngành nông nghiệp. Vụ đông-xuân 2018 -2019, HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước Hậu sẽ chọn khu vực Bồ Đề triển khai thí điểm “cánh đồng mẫu lớn” với diện tích 13 ha/123 hộ tham gia, sử dụng giống lúa Đài Thơm của Công ty Cổ phần Miền Nam và liên kết với Công ty TNHH Hưng Nông Phát bao tiêu sản phẩm. Kỹ sư Quảng Đại Hoàng, Giám đốc HTX, nhìn nhận: Xây dựng CĐL là một giải pháp quan trọng, lâu dài, hướng đến sản xuất tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất lúa trên địa bàn. Quá trình thực hiện gặp nhiều thuận lợi với sự đồng thuận cao của người dân; đồng thời, kết cấu hạ tầng tương đối hoàn chỉnh là điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ nhằm giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho các hộ tham gia.

Để tiếp tục mở rộng vùng sản xuất CĐL hiệu quả, theo đồng chí Võ Thành Đảo, Chủ tịch UBND xã Phước Hậu, căn cứ vào tình hình thực tế, xã tiếp tục tổ chức rà soát, nhân rộng diện tích trồng lúa CĐL lên trên 760 ha trong thời gian tới. Đồng thời, quy hoạch các vùng tích tụ ruộng đất; kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào hoạt động sản xuất, đưa nông nghiệp trên địa bàn phát triển theo hướng hiện đại, quy mô lớn, thương hiệu mạnh.

Thành công trong việc xây dựng và nhân rộng mô hình CĐL thời gian qua, không chỉ là hướng đi cần thiết trong xu thế phát triển nông nghiệp bền vững, mà còn giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất cũ, nâng cao giá trị đơn vị diện tích và từng bước trở thành những người nông dân mới, làm chủ công nghệ trên cánh đồng  của mình.