Bí quyết làm bài thi trắc nghiệm

Trong các lần thi tập trung cuối học kỳ cũng như thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ hằng năm, nhiều học sinh do thiếu kinh nghiệm nên không đạt điểm cao khi làm bài thi trắc nghiệm. Xin hướng dẫn các em một vài kinh nghiệm nhỏ sau đây:

- Khác với thi tự luận, bài thi trắc nghiệm khách quan in sẵn. Học sinh thường chỉ nhận một phiếu trả lời trắc nghiệm của giám thị, trong đó có 10 mục cần phải điền vào. Phải chú ý giữ cho phiếu phẳng, không bôi bẩn, nhàu hoặc rách.

- Khi nhận phiếu trả lời trắc nghiệm, phải khai báo đầy đủ thông tin trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Để khai báo đầy đủ, bên cạnh sự hướng dẫn của cán bộ coi thi, học sinh phải đọc kỹ từng mục (cụ thể 10 mục), mục nào cần ghi bằng bút mực, mục nào ghi bằng bút chì.

- Dùng bút mực để ghi: Tỉnh, hội đồng thi, phòng thi, họ và tên, môn thi (chữ in hoa), ngày sinh, ký tên, số báo danh... Khi nhận đề thi phải chú ý ghi mã đề thi (mỗi đề thi đều có mã số riêng, thường in trên đầu đề thi). Trên phiếu trả lời trắc nghiệm chỉ được viết một thứ mực (trừ mực đỏ) và tuyệt đối không tô các phương án trả lời bằng bút mực.

- Dùng bút chì đen để tô các ô ở số báo danh và mã đề thi. Cách tô: Đối chiếu theo hàng dọc để tô sao cho tương ứng giữa những chữ số được ghi bằng bút mực ở ô số báo danh và mã đề thi; chọn những câu trả lời đúng. Cách chọn: chọn phương án đúng nhất (A, B, C hoặc D) rồi dùng bút chì tô kín ô tròn tương ứng. Nhớ là tô đủ đậm, tương đương độ đậm của các vạch ở mép tờ phiếu. Lưu ý chỉ được tô 1 ô (phương án duy nhất), nếu thay đổi lựa chọn thì phải tẩy thật sạch kẻo khi chấm máy hiểu nhầm, sẽ mất điểm. Học sinh chọn 2 phương án trong một câu thì máy sẽ không chấm điểm câu đó.

- Nên mua sẵn các loại bút chì đen mềm loại từ 2B đến 6B (nhớ gọt sẵn vài cây dự trữ) để làm bài thi. Không nên gọt đầu bút chì quá nhọn mà nên dẹt, phẳng để nhanh chóng tô đen các ô trả lời. Ngoài 10 mục cần ghi trên phiếu bằng bút mực và tô các câu trả lời bằng bút chì, bài thi phải viết rõ ràng, tuyệt đối không viết gì thêm hoặc để lại dấu hiệu riêng trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Bài thi có dấu riêng sẽ bị phạm quy và không được chấm điểm.

- Nên để phiếu trả lời trắc nghiệm phía tay cầm bút (bên phải), đề thi trắc nghiệm phía bên kia. Tay trái giữ ở vị trí câu trắc nghiệm đang làm, tay phải dò tìm số câu trả lời tương ứng trên phiếu trả lời trắc nghiệm và tô vào ô trả lời được lựa chọn, tránh tô nhầm sang dòng của câu khác.

- Thời gian làm bài trắc nghiệm ngắn hơn so với tự luận. Vì vậy, khi làm bài thi, học sinh phải đọc nhanh các câu hỏi trắc nghiệm. Câu nào thấy dễ và chắc chắn thì làm ngay, câu nào chưa rõ thì bỏ qua, làm câu khác. Sau đó quay lại làm tiếp.

- Nếu sắp hết giờ mà bài vẫn chưa xong, để có cơ hội giành điểm cao nhất, nhất thiết học sinh phải tô các phương án trả lời theo phương châm thà tô nhầm còn hơn bỏ sót. Không nên để trống một câu nào.

Ngoài ra, để nắm kỹ hơn, học sinh có thể khai thác thêm tài liệu hướng dẫn cụ thể về thi trắc nghiệm trên internet.

(Theo NLĐ Online)