Xây dựng mỗi huyện ít nhất một trung tâm học tập cộng đồng

Xây dựng mỗi huyện ít nhất một trung tâm học tập cộng đồng điểm kết hợp với Nhà văn hoá, bưu điện văn hoá xã, thư viện xã, để phổ biến kiến thức theo Chương trình giáo dục thường xuyên đáp ứng yêu cầu người học.

Công văn số 913/BGDĐT-GDTX, ngày 25-02-2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp bố trí giáo viên trường tiểu học hoặc trung học cơ sở làm việc tại trung tâm học tập cộng đồng theo tinh thần Thông tư số 40/2010/TT-BGDĐT ngày 30-12-2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn; xây dựng mỗi huyện ít nhất một trung tâm học tập cộng đồng điểm kết hợp với Nhà văn hoá, bưu điện văn hoá xã, thư viện xã, để phổ biến kiến thức theo Chương trình giáo dục thường xuyên đáp ứng yêu cầu người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ. Hàng năm tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm nhân rộng điển hình trên địa bàn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo việc tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên, hướng dẫn viên trung tâm học tập cộng đồng về mục tiêu, mức độ cần đạt, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá theo Chương trình giáo dục thường xuyên đáp ứng yêu cầu người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ ban hành theo Thông tư số 26/2010/TT-BGDĐT ngày 27-10-2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phòng Giáo dục và Đào tạo, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng sử dụng một số chuyên đề dùng chung cho trung tâm học cộng đồng đã được đăng tải trên website của Bộ theo địa chỉ www.moet.gov.vn hoặc www.edu.net.vn.

Trung tâm học tập cộng đồng xã Phước Thái điển hình  hoạt động học tập cộng đồng

Ở tỉnh ta, tính đến ngày 28-02-2011, toàn tỉnh có 65/65 xã, phường, thị trấn đã thành lập trung tâm học tập cộng đồng, đạt tỷ lệ 100%. Các trung tâm học tập cộng đồng tại địa phương đã phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ trong việc phổ cập giáo dục xóa mù chữ nhằm nâng cao mặt bằng dân trí, phổ biến kiến thức pháp luật, chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo công ăn việc làm cho người dân, đồng thời góp phần ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Năm 2010, toàn tỉnh có 1.846 lượt cán bộ thôn, xã, phường học tập tham gia học tập, cập nhật kiến thức nâng cao kỹ năng công tác; 85.681 người lao động được học tập từ các chương trình bồi dưỡng, nâng cao hiểu biết khả năng lao động và sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống thuộc các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp tổ chức tại các trung tâm học tập cộng đồng.

Nguyễn Anh Minh