Anh Nguyễn Văn Hùng Trồng nho kiểng bán tết

(NTO) Anh Nguyễn Văn Hùng là nông dân trẻ chí thú gắn bó với nghề trồng nho, ghép cành nho giống ở thôn Vạn Phước, xã Phước Thuận (Ninh Phước). Anh tập trung vốn liếng đầu tư trồng nho kiểng chuẩn bị cung cấp thị trường Tết Nguyên đán Kỷ Hợi- 2019. Những chậu nho kiểng cành lá sum suê mang trái chín đỏ với ước mong đem lại tài lộc, niềm vui cho các gia đình trong dịp đón tết cổ truyền dân tộc.

Đến cơ sở nho giống Nguyễn Văn Hùng (Năm Hùng) trong ngày đầu năm mới 2019, chúng tôi gặp anh tất bật chăm sóc vườn nho chuẩn bị cung cấp nho kiểng cho các chủ vựa. Anh đưa chúng tôi đi thăm vườn nho đỏ giống Red Cartinal, với diện tích 1.500 m2 được “bó bầu” với 3.000 chùm trái. Đây là vườn nho trồng trên vùng đất gò nhưng anh Hùng đã nỗ lực chống chọi với mưa lũ ngập úng kéo dài trong những tháng cuối năm 2018. Đứng dưới vườn nho xanh mát, anh Hùng cho biết để có được những chậu nho kiểng ưng ý cung cấp cho bà con chơi tết, anh lo cắt cành từ tháng 9 Âm lịch. Sau khi cây nho đơm bông kết trái, anh dùng vỏ dừa xay nhuyển trộn với đất mùn và bèo tây làm giá thể bao cành cách chùm trái 30- 35 cm. Sau nửa tháng, cành nho bắt đầu ra rễ nhờ có giá thể cung cấp dinh dưỡng nuôi chùm trái phát triển. Từ tháng 6 Âm lịch, anh cũng đã chuẩn bị chậu trồng nho gốc chăm sóc cho ra lá làm “cây chủ” để đến tháng Chạp thì đưa thêm 2 bầu nho mang trái chín vào chậu nhựa cứng có in dòng chữ “Chúc mừng năm mới”. Từ rằm tháng Chạp, anh chuyển hàng giao theo đơn đặt hàng cho các chủ vựa cây cảnh ở TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Đồng Nai, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hà Nội đưa ra phục vụ thị trường tết. Sau tết, người chơi nho kiểng chuyển qua chậu lớn hoặc đưa ra đất trồng, tiếp tục chăm sóc tạo nên tiểu cảnh nho “made in Ninh Thuận” xanh mát cho sân vườn. Nếu bà con nắm vững kỹ thuật có thể cắt cành, tạo dáng cây nho tiếp tục ra hoa cho trái chín trong những mùa tết năm sau.

Anh Nguyễn Văn Hùng chăm sóc vườn nho chuẩn bị vô chậu cung cấp nho kiểng
thị trường Tết Nguyên đán Kỷ Hợi- 2019.

Ngoài 1.500 chậu bo kiểng chiết cành, anh Hùng còn chuẩn bị 1.500 chậu nho bon sai đang mang trái non, lá nẩy xanh biếc phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm nay. Để có những chậu nho bonsai đẹp, anh lặn lội đến các vùng nông thôn tìm những vườn nho già 7-8 tuổi giảm khả năng cho trái, mua về vô chậu chăm sóc, tạo dáng nho cảnh. Nho bonsai thân nâu sẫm, vỏ sần sùi, tạo dáng đường nét lạ mắt được giới chơi cây cảnh ở các tỉnh phía Bắc ưa chuộng. Trong năm 2018 vừa qua, anh xuất bán cho thị trường Hà Hội trên 30.000 chậu nho bonsai chưa mang trái, với giá 35.000 đồng/chậu. Nghề trồng nho kiểng phục vụ thị trường tết năm nay do thời tiết bất lợi, chi phí đầu tư cao nên anh Hùng dự kiến cung cấp giá sỉ nho kiểng chiếc và nho bonsai mang trái cho các chủ vựa 300.000 đồng/chậu, tăng 50.000 đồng so với năm trước.

Nông dân trẻ Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào cuối năm 2002, anh trở về địa phương khởi nghiệp từ 2 sào đất trồng nho. Nhờ có kiến thức căn bản, anh áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác cây nho đạt năng suất, chất lượng cao được thương lái thu mua với giá cao. Đồng thời, anh nghiên cứu kỹ thuật cắt ghép cành nho cho cây sống đạt cao được bà con nông dân quanh vùng tin tưởng. Cơ sở nho giống của anh Hùng đang trồng các giống nho dại như Couderg 1613, IAC 572, IAC 571. Cành nho dại được anh cắt hom dài 15-20 cm cho vào bầu chăm sóc bén rễ, ra lá cung cấp cho người trồng nho với giá 5.000 đồng/gốc. Nông dân đưa nho dại về vườn trồng sau 2 tháng tiến hành công đoạn ghép cành các giống nho ăn trái như NH 01-48, NH 01-152, Red Cardinal, Black Queen. Anh đưa cành giống nho ăn trái tới vườn ghép vào gốc nho dại cho bà con với giá 3.000 đồng/gốc. Sử dụng gốc nho dại có ưu thế bộ rễ phát triển mạnh, sức đề kháng tốt, hạn chế một số bệnh trên cây nho. Trong năm 2018, anh cung cấp trên 20.000 gốc nho dại cho nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng và thay thế những vườn nho đã qua nhiều năm canh tác. Cơ sản xuất nho giống, nho kiểng của anh tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương có thu nhập trung bình 5-6 triệu đồng/tháng. Anh chuẩn bị lắp đặt hệ thống bạt che cho 4 sào nho thương phẩm của gia đình thực hiện biện pháp canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP.

“Tôi sinh trưởng trong gia đình chuyên nghề trồng nho nên từ tuổi thơ, cây nho đã thấm vào máu thịt. Tôi sản xuất nho kiểng, nho bonsai chưng tết với ước mong quảng bá hình ảnh cây nho quê hương Ninh Thuận đến người dân trong cả nước. Năm nay, do thời tiết mưa lũ kéo dài nên chỉ đáp ứng 25% số lượng nho kiểng theo nhu cầu đặt hàng của các chủ vựa. Trong những năm qua, sản phẩm nho kiểng của tôi cung cấp có dáng đẹp, trái chín lâu được người tiêu dùng ưa chuộng góp thêm niềm vui cho các gia đình trong mỗi dịp tết đến, xuân về”, anh nông dân trẻ Nguyễn Văn Hùng phấn khởi, chia sẻ niềm vui.