Nghệ thuật đối nhân xử thế

Muốn thành công trong cuộc sống, đòi hỏi mỗi người phải biết cách đối nhân xử thế thật tinh tế và khéo léo. Ðối nhân xử thế là một nghệ thuật. Để đối xử sao cho đẹp lòng người, chúng ta cần phải chân thành, nhiệt tình, không quá nôn nóng. Không nên hạ thấp người khác mà đề cao mình và cũng đừng bao giờ đả kích ai, bất cứ việc gì.

Trong xử thế chúng ta nên tĩnh, không nên động. Làm bất cứ việc gì mà có tâm nóng vội thì khó thành công, tĩnh mới có thể nhìn xa, trông rộng. Người có trí tuệ một khi gặp chuyện, họ luôn trầm tĩnh, quan sát và từ tốn giải quyết vấn đề. Điều cần nhất trong xử trí mọi mối quan hệ là hiểu rõ về người mà mình cần giao tiếp. Muốn vậy, bạn cần biết mở lời trước, diễn đạt như thế nào để tạo sự thu hút, lập luận sao cho đối phương hiểu được. Ngoài ra cũng cần chú ý đến những khía cạnh khác của người mà mình cần giao tiếp. Khéo ăn nói sẽ giúp bạn tạo được thiện cảm và hiểu được tâm ý đối phương. Trong cuộc sống, những người có tài ăn nói thường gặp thuận lợi hơn. Họ biết cách làm cho người khác hiểu được ý của mình, nghe theo mình và tránh những mâu thuẫn không đáng có. Những người khéo ăn nói biết chọn thời điểm để trao đổi và chọn đối tượng để giao tiếp. Lời nói của họ dễ đi vào lòng người, tạo ấn tượng tốt với đối phương. Ngược lại, nếu không khéo léo chúng ta thường gặp trở ngại, từ đó hay gặp thất bại hơn. Nói không khéo dễ làm người khác bị tổn thương, thậm chí còn làm hại đến bản thân. Vì vậy, bạn nên lựa lời khen người khác hơn là chỉ trích họ, nhưng lời ca ngợi phải xuất phát từ sự chân thành. Những lời nói tốt đẹp luôn có ảnh hưởng rất lớn.

Đối nhân xử thế tinh tế và khéo léo góp phần thành công trong cuộc sống. Ảnh: Văn Nỷ

Biết lắng nghe để có được thiện cảm của đối phương, lắng nghe sẽ làm cho họ cảm thấy bản thân được tôn trọng. Thật sự lắng nghe những điều người khác nói, đừng ngắt lời khi họ nói, tập trung vào điều bạn muốn trả lời, chỉ cần lặp lại những gì họ nói theo cách của bạn. Cuộc trò chuyện sẽ tốt hơn, mối quan hệ cũng sẽ tốt như vậy nếu cả hai cùng lắng nghe. Nếu có bất đồng ý kiến hay hiểu nhầm thì vẫn kiên nhẫn và nhẹ nhàng giải thích, rồi người đó sẽ hiểu. Nếu phạm lỗi, bạn cần can đảm thừa nhận, tránh tranh luận với người khác. Nếu muốn ai đó lắng nghe bạn nói về những lỗi lầm mà họ đã gây ra, thì hãy bắt đầu bằng lỗi lầm từ chính mình. Khi đối nhân xử thế, nếu tâm luôn đố kị, hoài nghi, thì sẽ làm cho người khác xa lánh. Người có tâm đố kị thường nghĩ rằng mình có khả năng hơn người. Thấy người khác được khen thì tức giận, khi người khác có điều vui, thì lại cảm thấy bực bội. Cuộc đời họ sẽ khó có được sự bình yên.

Học đối nhân xử thế chính là học cái hay của người khác, loại bỏ cái dở của mình. Thiết nghĩ, học cách đối nhân xử thế, ứng xử trong giao tiếp và trong cuộc sống là bài học cả đời mà ai cũng cần phải học.