Khoảnh khắc và Sự kiện 1-12

* Trong nước:

- Ngày 1-12-1958: Mỹ - Diệm đã đầu độc hơn 6.000 tù nhân yêu nước tại trại giam Phú Lợi, làm hơn 1.000 người chết.

Từ đó, một phong trào quần chúng đấu tranh chống địch khủng bố tàn sát nổ ra khắp Sài Gòn và miền Nam, nhất là trong giới công nhân lao động, kéo dài đến tháng 3-1959.

Ở Hà Nội và miền Bắc cũng diễn ra nhiều cuộc tuần hành, mít tinh lên án tội ác dã man này của Mỹ - Diệm và đòi trả lại do cho những người kháng chiến và đồng bào yêu nước ở miền Nam đang bị chúng giam giữ, cầm tù.

- Ngày 1-12-1962: Bác Hồ nói chuyện tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ III.

Bác ân cần căn dặn các văn nghệ sĩ: “Để làm trọn nhiệm vụ cao quý của mình, văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn; phải thật sự hòa mình với quần chúng, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp; phải hết lòng giúp đỡ thanh niên, làm cho văn nghệ nước nhà ngày càng thêm trẻ thêm xuân.”

Theo Người, trên mặt trận này, những người làm công tác văn hóa văn nghệ phải thấm nhuần quan điểm: Nghệ thuật - vũ khí, nghệ sĩ - chiến sĩ. 

Những tư tưởng của Bác về văn hóa văn nghệ đến nay vẫn là ánh sáng soi đường cho sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật nước nhà.

- Ngày 1-12-2016: Tín ngưỡng thờ Mẫu được công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Tại Hội nghị lần thứ 11 ở Adis Abebas, Ethiopia, “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần. Người dân thờ cúng Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng với các vị Thánh Mẫu cai quản miền trời, rừng, nước, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân. 

Từ thế kỷ XVI, tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống tâm thức người dân Việt, đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống con người.

* Thế giới:

- Ngày 1-12-1959: Hiệp ước Nam Cực đã được ký kết. Hiệp ước Nam Cực hình thành nhằm bảo tồn lục địa Nam Cực với toàn bộ vùng lãnh thổ cùng vùng biển nằm dưới vĩ tuyến 60 độ Nam dành cho các mục đích hòa bình, đặc biệt là nghiên cứu khoa học.

Hiệp ước quy định cấm các hoạt động quân sự, sử dụng vũ khí nguyên tử và thải chất thải hạt nhân ở Nam Cực, cấm các quốc gia đưa ra các yêu sách lãnh thổ mới đối với châu lục này...

Từ khi được ký kết, Hiệp ước đã được bổ sung một số công ước và nghị định thư liên quan đến sinh thái/ môi trường và cho đến nay đã tạo thành một định chế quốc tế quan trọng đề cập tới các vấn đề về tài nguyên, quân sự và môi trường. 

Từ 12 quốc gia ban đầu, đến nay có 46 nước tham gia vào Hiệp ước này. 

- Ngày 1-12-2002: Nhà thám hiểm người Nga Fedor Konyukhov (Phê-đo Cô-niu-khốp) lập kỷ lục thế giới mới, vượt Đại tây dương bằng thuyền với thành tích 46 ngày 4 phút, hơn kỷ lục cũ 57 ngày 14  giờ 30 phút do vận động viên Pháp Emanuel Kualder (E-ma-nu-en Cu-an-đơ) lập trước đó 11 ngày.

Ông Konyukhov xuất phát ngày 16-10 từ đảo La Gomera thuộc quần đảo Canary, trên chiếc thuyền "Uralaz" đóng tại Anh, và ngày 1-12 đã tới cảng Saint Sarlo trên đảo Barbados.

- Ngày 1-12-2012: Tuyến đường sắt cao tốc ở khu vực nhiệt độ rất thấp của Trung Quốc chính thức hoạt động. 

Tuyến đường sắt cao tốc này chạy qua 3 tỉnh Đông Bắc Trung Quốc gồm Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh. Đây là lần đầu tiên trên thế giới có một tuyến đường sắt chạy ở khu vực có điều kiện nhiệt độ cực thấp vào mùa Đông, có thể xuống tới -40 độ C. 

Tuyến tàu cao tốc này được thiết kế đạt tốc độ tối đa 350km/giờ. Như vậy, hành khách sẽ chỉ mất 3 tiếng rưỡi đồng hồ để đi hết quãng đường 921 km từ thành phố Cáp Nhĩ Tân (tỉnh Hắc Long Giang) đến thành phố Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh), nhanh hơn 6 tiếng so với tuyến tàu tốc hành hiện nay.

Để đảm bảo an toàn, Bộ Đường Trung Quốc sắt đã áp dụng tốc độ tàu chạy vào mùa Đông là 200km/h và mùa Hè là 300km/h.