Tin thế giới

* Iran bác bỏ tin đồn về việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.

Ngày 21-11, Bộ Ngoại giao Iran đã lên tiếng bác bỏ những tin đồn rằng Tehran sẵn sàng rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Tehran ký với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức).

Hãng thông tấn IRNA cho biết, trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qassemi đã phủ nhận những tin đồn trên mạng Internet rằng cơ quan này đang chuẩn bị các động thái để rút khỏi JCPOA. Ông Qassemi nêu rõ: “Những tin đồn này là hoàn toàn sai trái, không có cơ sở”. Theo ông Qassemi, chắc chắn một số thế lực nước ngoài cũng như trong nước đã đưa ra những suy đoán nhằm đánh lừa công chúng, gây ra những căng thẳng, cũng như tác động tiêu cực tới thị trường, thậm chí phá hoại sinh kế của người dân Iran.

Hồi tháng 5 vừa qua, Mỹ đã tuyên bố rút khỏi JCPOA, đồng thời áp đặt trở lại 2 vòng trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này. Iran hiện đang hối thúc Liên minh châu Âu (EU) đẩy nhanh tiến độ cứu vãn JCPOA.

* Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định không thể hủy bỏ hợp đồng mua S-400.

Ngày 20-11, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết việc nước này mua hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga là một thỏa thuận đã hoàn thành và không thể hủy bỏ, đồng thời cho biết Ankara cần mua thêm những khí tài quân sự khác và có thể sẽ mua của Mỹ.

Hệ thống tên lửa S-400 được trưng bày tại Diễn đàn
kỹ thuật quân sự quốc tế ở ngoại ô Moskva, Nga.

Phát biểu sau cuộc gặp người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo tại thủ đô Washington, ông Cavusoglu nói: "Thỏa thuận hiện nay đã hoàn thành. Tôi không thể hủy bỏ nó. Tuy nhiên tôi cần thêm nhiều (khí tài quân sự) hơn và tôi ưu tiên mua của các đồng minh".

Thương vụ Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400, vốn không tương thích với hệ thống phòng thủ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã khiến Mỹ và các nước thành viên NATO khó chịu.

* Hơn 7.000 người là nạn nhân của bom mìn trên thế giới.

Theo một báo cáo của Liên hợp quốc công bố hôm 20-11, trong năm 2017 trên toàn thế giới có hơn 7.000 người thương vong do bom mìn và vật liệu nổ, trong đó 2.800 người thiệt mạng do các loại bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại từ chiến tranh.

Theo báo cáo tổng quan của tổ chức Landmine Monitor (Giám sát bom mìn) cho biết trong năm 2017 ghi nhận hàng nghìn nạn nhân bom mìn ở Ukraine, Iraq, Pakistan, Nigeria, Libya, Yemen và Myanmar. Đặc biệt, xung đột tại Afghanistan và Syria khiến số người thương vong do bom mìn ở 2 nước này tăng cao, trong đó 2.300 nạn nhân ở Afghanistan và hơn 1.900 nạn nhân ở Syria.

Số thương vong do bom mìn trong năm 2017 giảm so với năm 2016, tuy nhiên vẫn ở mức cao năm thứ 3 liên tiếp, với 87% nạn nhân là dân thường, trong đó trẻ em chiếm một nửa. Tuy nhiên, báo cáo đánh giá số nạn nhân thương vong trên thực tế còn cao hơn nhiều so với con số được ghi nhận.