Người “giữ hồn” nhạc cụ dân tộc Chăm

(NTO) Ông Mư tùn Phú Văn Lương (ảnh) được người dân thôn Tân Đức, xã Phước Hữu (Ninh Phước) gọi là người “giữ hồn” nhịp trống ghi năng trong Lễ hội Katê của đồng bào Chăm làng Hữu Đức. Ông Lương dày công học sử dụng thành thục 75 bài, bản trống ghi năng và trên 50 bài diễn xướng ngợi ca công lao thần linh, tổ tiên trong các nghi lễ tín ngưỡng dân gian của đồng bào Chăm.

Tiếp chuyện với chúng tôi, ông cho biết: ông đang cùng các học trò chuẩn bị nhạc cụ trình diễn đón mừng Lễ hội Katê năm 2018 diễn ra tại sân vận động Hữu Đức vào ngày 8- 10. Nhóm nhạc cụ do ông phụ trách có 15 thành viên phục vụ chương trình múa rước y trang Nữ thần Pô Inư Nưgar và đón mừng Lễ hội Katê. Với vai trò Mư tùn (thầy vỗ), ông được Ban tổ chức Lễ hội Katê làng Hữu Đức phân công đảm nhiệm phần nhạc lễ, tập hợp đội ngũ nhạc công biểu diễn lễ múa sân có trên 300 nghệ nhân dân gian tham gia. Ông nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được Ban tổ chức phân công góp phần quan trọng làm nên sự thành công lễ hội truyền thống hằng năm của đồng bào Chăm.

Chúng tôi có dịp gặp ông Mư tùn Phú Văn Lương tại Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc Chăm ở Ninh Thuận do Viện Âm nhạc thuộc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vào đầu tháng 8- 2018. Mư tùn Lương vỗ trống baranưng tái hiện nghi thức lễ Rija Nưgar, lễ cúng xứ sở (Rija: lễ, Nưgar: xứ sở). Mư tùn Lương cho biết lễ cúng Rija Nưgar giống như Tết Nguyên đán của đồng bào Kinh, lễ diễn ra vào ngày thứ Năm và ngày thứ Sáu đầu tiên của tháng Giêng Chăm lịch. Trong hai ngày này, đồng bào Chăm trang phục xinh đẹp dâng lễ bái tạ thần linh và tổ tiên với mong muốn tống cái xấu, rước cái tốt; đón năm mới an lành, mùa màng thắng lợi, thôn xóm bình an, vạn vật sinh sôi nẩy nở tốt tươi. Mư tùn Lương diễn xướng những bài hát ca ngợi công ơn của thần linh, tổ tiên trên nền trống baranưng có thầy Ka-ing múa roi, múa đạp lửa tạo nên không khí vui tươi những ngày đầu năm mới. Phần trình diễn tái hiện Rija Nưgar của Mư tùn Lương được các nhà nghiên cứu đánh giá cao về nghệ thuật diễn xướng âm nhạc Chăm gắn liền với lễ hội truyền thống dân gian cần được bảo tồn và phát triển.

Nhắc lại chuyện tái hiện nghi thức Rija Nưgar tại Hội thảo khoa học, Mư tùn Phú Văn Lương cho biết khi mới 13 tuổi, ông đã theo người chú ruột là Nghệ nhân ưu tú Phú Bình Đồn ở làng Vụ Bổn, xã Phước Ninh (Thuận Nam) học đánh trống ghi năng. Sau hơn hai năm đam mê luyện tập, ông nằm lòng 75 bài, bản nhịp điệu trống ghi năng. Từ năm 16 tuổi, Phú Văn Lương trở thành nhạc công trống ghi năng của đội văn nghệ làng Vụ Bổn. Sau khi về làm rể tại làng Hữu Đức, ông được Nghệ nhân ưu tú Thiên Sanh Thềm truyền dạy vỗ trống baranưng và học các bài diễn xướng trong nghi lễ cúng thần linh, tổ tiên. Sau hai năm học vỗ trống baranưng và “nằm lòng” trên 50 bài diễn xướng, Phú Văn Lương được Hội đồng Mư tùn Chăm Bàlamôn công nhận là thành viên của Hội đồng được chủ trì thực hiện các nghi thức tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng. Mư tùn Phú Văn Lương cũng đã truyền dạy biểu diễn trống ghi năng, trống baranưng cho 14 thanh niên các thôn Hữu Đức, Tân Đức, Thành Đức. Trong đó có hai học trò rèn luyện trở thành nhạc công tiêu biểu là Thiên Sanh Sơn và Phú Ngọc Huyện đang biểu diễn nhạc cụ Chăm tại Khu di tích Mỹ Sơn, Quảng Nam. Ông được Hội Dân tộc học- Nhân học mời truyền dạy các điệu múa dân gian Chăm và tái hiện Rija Nưgar cho trên 20 sinh viên Trường Đại học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh tham gia chương trình Katê- Ramưwan năm 2016 với chủ đề” Sắc màu lễ hội” do Hội Dân tộc học- Nhân học tổ chức. Mư tùn Phú Văn Lương được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình cấp thẩm quyền phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Ông Báo Văn Nhù, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Katê 2018 làng Chăm Hữu Đức nhận xét: “Ông Mư tùn Phú Văn Lương có uy tín trong cộng đồng dân cư địa phương. Ông tận tâm truyền dạy biểu diễn nhạc cụ dân tộc và múa dân gian cho thanh niên, góp phần đắc lực bảo tồn và phát triển văn hóa Chăm. Ông là người “giữ hồn” nhạc cụ truyền thống dân tộc trong các chương trình văn nghệ và nghi lễ tín ngưỡng tâm linh của đồng bào Chăm địa phương”.