Cần quản lý tốt người tâm thần trong cộng đồng

(NTO) Thời gian qua tình trạng người tâm thần (TT) gây án đang là vấn đề đáng quan tâm. Do không làm chủ được hành vi của mình, những người TT đã ra tay bột phát, hành động trong vô thức mà nạn nhân chủ yếu là người thân trong gia đình.

Người tâm thần gây án

Người dân ở xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) vẫn chưa hết bàng hoàng mỗi khi nhắc về vụ án mạng kinh hoàng xảy ra vào rạng sáng 2-5-2018. Đối tượng là Nguyễn Văn Tân (22 tuổi), nạn nhân là bà Nguyễn Thị Phượng (45 tuổi, mẹ Tân) và bà Nguyễn Thị Trẹt (81 tuổi, bà nội Tân). Trước đó, Tân có nhiều biểu hiện không bình thường như: không mặc quần áo đi lang thang, có hành vi gây rối, chặn xe ô tô lưu thông trên tuyến quốc lộ 27A, đoạn qua địa bàn xã Nhơn Sơn. Được biết, Tân là con đầu, có dấu hiệu TT, hàng ngày ai kêu gì làm nấy. Đặc biệt mỗi khi uống rượu, bia là Tân có những hành vi rất nguy hiểm.

Trước đó, vào ngày 26-4-2017, một vụ án thương tâm cũng do người biểu hiện TT gây ra. Chỉ vì cha không cho ra khỏi nhà, Diệp Thị Kim Thoa (SN 1988), ngụ tại khu phố 12, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) đã lấy dao đâm vào ngực cha ruột là ông Diệp Quốc Hùng ngay tại cổng nhà, sau đó Thoa thản nhiên bỏ đi ra đường ray xe lửa cạnh nhà. Theo người dân cùng xóm, Thoa nghỉ học sớm, có thời gian bán vé số ở Ninh Thuận, sau đó vào TP. Hồ Chí Minh làm việc. Đầu năm 2017, Thoa trở về nhà có dấu hiệu trầm cảm, ít tiếp xúc với người lạ, hàng ngày ông Hùng vẫn chăm sóc, canh chừng con gái, không lâu sau thì xảy ra vụ việc đau lòng trên.

Không riêng gì tại tỉnh ta, thời gian qua trên cả nước đã xảy ra rất nhiều vụ án giết người do người TT gây ra. Nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian ngắn đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về người TT phạm tội khi sống trong cộng đồng dân cư hiện nay.

Khó khăn trong quản lý

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2.594 người bị khuyết tật về thần kinh, TT. Trong đó, có 138 trường hợp đang được nuôi dưỡng, điều trị tại Trung tâm Nuôi dưỡng người TT tỉnh, điều đó cho thấy số lượng người TT đang sinh sống, điều trị tại gia đình, xã hội là rất lớn. Tuy nhiên, việc giao cho gia đình quản lý đối tượng này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với cộng đồng. Bà Đặng Thị Phấn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: Việc quản lý đối tượng này hiện nay rất khó khăn vì phần lớn các gia đình đều có hoàn cảnh nghèo khó, khả năng chăm sóc, chữa trị là rất hạn chế nên bệnh ngày càng trầm trọng. Khi đối tượng này lên cơn thì gia đình không có biện pháp ngăn chặn, đề phòng và gia đình thường phải xích, gông cùm lại. Mặt khác cũng vì tâm lý chủ quan, phần nữa xuất phát từ tình cảm ruột thịt, nhiều trường hợp không muốn đưa người thân của mình vào các trung tâm để chữa trị. Từ thực tế đó đã dẫn đến thực trạng một số đối tượng là người TT đã có hành vi gây nguy hiểm cho người thân trong gia đình và cộng đồng, là thủ phạm gây ra các vụ giết người đau lòng.

Theo bác sỹ Lê Văn Đổng, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội, cho biết: Có nhiều trường hợp bệnh nhân TT sống rất hiền lành nhưng khi bị tác động của rượu, bia hoặc ức chế thần kinh, lên cơn thì họ sẽ không kiểm soát được hành vi của mình, từ đó rất dễ gây ra các hành động nguy hiểm. Hoặc có trường hợp bị “ảo thanh” tức là trong đầu họ luôn có cảm giác có tiếng nói xúi giục làm những hành vi nguy hiểm, đây là dạng TT phân liệt tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không được theo dõi, điều trị đúng cách. Việc chữa trị cho các đối tượng TT hiện nay cũng gặp không ít khó khăn, nhiều đối tượng mất kiểm soát, hành hung, gây nguy hiểm cho đội ngũ y, bác sỹ. Một số gia đình còn giấu bệnh của người thân hoặc mê tín đi cúng bái để chữa bệnh. Ngoài ra thì nhân lực để khám, chữa bệnh về thần kinh còn khá khiêm tốn, hiện nay Khoa Tâm - Thần kinh của Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội chỉ có 3 bác sỹ chuyên khoa trong khi đó đối tượng người TT cần chữa trị trên địa bàn tỉnh là rất lớn.

Bà Đặng Thị Phấn cho biết thêm: Thời gian qua Sở cũng đã tổ chức tập huấn cho cộng tác viên công tác xã hội của phường, xã, thân nhân người TT, người rối nhiễu tâm trí và nhân viên các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh nhằm trang bị cho cán bộ và thân nhân người bệnh nắm được các kiến thức, kỹ năng cơ bản để chăm sóc người bệnh TT, người rỗi nhiễu tâm trí, giúp họ sớm hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất để giải quyết nỗi lo từ người TT sống trong cộng đồng, đòi hỏi vai trò quan trọng từ sự quản lý của gia đình cùng bộ phận y tế cơ sở, chính quyền địa phương. Nếu người bệnh được quan tâm, chăm sóc bằng chính tình yêu thương của gia đình, của xã hội thì vẫn có thể được phục hồi và tránh được nhiều mối nguy hiểm cho cộng đồng.