Người phụ nữ vùng cao sản xuất giỏi

(NTO) Chị Chamaléa Thị Ánh (ảnh), Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phước Trung (Bác Ái) giới thiệu chị Pi Năng Thị Phanh là hội viên điển hình sản xuất giỏi tiêu biểu ở địa phương. Chị tập trung đầu tư chăn nuôi gia súc có sừng kết hợp thâm canh lúa nước đạt năng suất cao bảo đảm đời sống gia đình no ấm, nuôi dạy con cái học hành thành đạt. Cán bộ Hội Phụ nữ xã tuyên truyền, vận động hội viên học tập mô hình sản xuất của chị Phanh.

Theo hướng dẫn của Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phước Trung, chúng tôi tìm đến khu gia trại của chị Phanh dưới chân núi Rai. Chị Phanh đang tất bật với công việc của một ngày mới trên nương rẫy vùng cao. Chị hướng dẫn lao động đưa đàn dê, cừu chăn thả ven hạ lưu đập Ô Căm vừa có đồng cỏ tự nhiên dưới tán lá rừng vừa có nguồn nước uống. Chị kiểm tra máy cắt cỏ chuẩn bị chạy xe máy kéo rơ móc qua đồng Suối Ngang cắt cỏ trồng chở về băm nhỏ trộn cám gạo cung cấp thức ăn bổ sung cho đàn dê. Người phụ nữ dân tộc Raglai vừa tròn 40 tuổi sắp xếp công việc gia trại nhanh gọn, nền nếp. Qua trao đổi với chị Pi Năng Thị Phanh, chúng tôi được biết buổi đầu vợ chồng ra ở riêng, cuộc sống kinh tế gia đình rất khó khăn. Chị hôm sớm gắn bó với nương rẫy trỉa bắp ăn nước trời bấp bênh. Nhiều vụ đầu tư vốn gieo mè, gieo đậu xanh gặp thời tiết nắng hạn kéo dài, mất thu hoạch. Đến đầu năm 1998, chị Phanh được chính quyền địa phương cho nhận một con bò nái giống chăn nuôi từ Chương trình hỗ trợ giảm nghèo của Ban Định canh- Định cư huyện. Với đức tính siêng năng chăm làm, sau ba năm chăn chận, con bò nái của Chương trình giảm nghèo sinh sản hai con bê. Chị bàn giao con bò mẹ và một con bê con cho chính quyền chuyển cho hộ khác nuôi, gia đình được hưởng lợi một con bê cái tròn hai tuổi làm giống sinh sản. Đây là bước khởi nghiệp quan trọng trong nghề chăn nuôi gia súc có sừng theo mô hình gia trại của chị Pi Năng Thị Phanh. Tròn 20 năm gắn bó với nghề chăn nuôi gia súc có sừng cho thu nhập ổn định, giúp chị tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Chị Phanh là người phụ nữ đầu tiên ở Phước Trung đầu tư vốn áp dụng hoàn toàn thiết bị cơ giới vào chăn nuôi, từ máy làm đất đến máy thu hoạch cỏ, máy băm cỏ cung cấp thức ăn cho đàn gia súc.

Chị Phanh bán bò mua vật liệu xây dựng nhà ở khang trang, mua sắm thiết bị sản xuất, nuôi con ăn học. Con trai đầu của chị Phanh là cháu Pi Năng Quyết vừa tốt nghiệp Trung cấp Công an đang công tác tại Công an huyện Bác Ái. Cô con gái thứ hai là Pi Năng Thị Định chuẩn bị vào học lớp 12 của Trường PTDTNT Pi Năng Tắc. Đến nay, đàn gia súc của gia đình chị Phanh còn 20 con bò và 30 con dê bách thảo. Đàn bò lai sind của gia đình chị Phanh có tầm vóc to lớn, sắc lông đỏ tía được thương lái ưa chuộng. Đưa chúng tôi đi thăm khu gia trại vừa hình thành có diện tích trên 1,5 ha, chị Phanh cho biết gia đình đầu tư 25 triệu đồng kéo đường điện từ khu dân cư Rã Giữa ra khu gia trại kết hợp đào ao tích trữ nước sử dụng mô-tơ bơm tưới cho cây trồng. Chị tập trung vốn phát triển mô hình nuôi heo đen dưới tán vườn dừa và mở rộng diện tích trồng cỏ, lắp đặt hệ thống bơm tưới tiết kiệm nước. Ngoài chăn nuôi gia súc, chị Phanh còn canh tác 6 sào ruộng lúa thâm canh theo mô hình “1 phải, 5 giảm” đạt năng suất bình quân 7 tấn/ha/vụ. Chị thường xuyên tham gia các lớp tập huấn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chị Phanh vừa là chủ gia trại vừa “bà đỡ” cho đàn bò sinh sản vừa là thú y viên chủ động phòng, chữa bệnh cho đàn gia súc.

“Tôi hôm sớm gắn bó với đàn gia súc, chăm sóc nuôi nấng nó chu đáo thì nó đem lại thu nhập cho gia đình mình. Muốn con bò, con dê khỏe mạnh phải trồng cỏ, dự trữ rơm, đào ao giữ nước cung cấp thức ăn, nước uống cho nó trong những tháng mùa khô. Bò lai sind nuôi mau lớn, bán có giá hơn bò cỏ nên mình mua con đực giống sind về nuôi phối giống cho ra con bê lai. Mình có sức khỏe phải nỗ lực vươn lên làm ăn bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm, nuôi con cái học hành góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp chớ”, chị Pi Năng Thị Phanh cười hồn hậu, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn của người phụ nữ vùng cao.